Quá trình phục hồi dây chằng chéo khớp gối sau mổ tái tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tập luyện trước mổ, kỹ thuật và phương pháp mổ, tập luyện sau mổ… tuy nhiên diễn biến tại mảnh ghép (dây chằng mới) luôn diễn ra theo một tiến trình chung, trải qua các giai đoạn:
1- 3 tuần đầu:
Thời gian 3 tuần đầu đóng vai trò quan trọng đối với người bệnh trong liệu trình tập luyện vì mảnh ghép chưa có sự gắn kết. Tại mảnh ghép xẩy ra quá trình viêm. Điều trị chủ yếu chống viêm, tập tăng sức mạnh cho cơ, tăng cường dinh dưỡng thúc đẩy quá trình liền mảnh ghép, tránh lực tải trọng lên mảnh ghép bằng cách đeo nẹp, đi lại bằng nạng.
Tuần 4- 6:
Thời gian này bắt đầu xẩy ra quá trình tái cấu trúc dây chằng tại mảnh ghép (remodelling), biến gân (mảnh ghép) thành dây chằng. Người bệnh có thể đi lại không cần nẹp hoặc các dụng cụ hỗ trợ (nạng). Cuối giai đoạn này, người bệnh ghi nhận sự cải thiện tốt nhất.
Tuần 6-12:
Giai đoạn này, khớp gối có khả năng chịu tải trọng lớn hơn, các cơ dần phục hồi. Người bệnh bắt đầu thực hiện một số động tác có chịu lực như ngồi xổm, lên xuống cầu thang, đạp xe có sức cản.
3-6 tháng:
Liền gân xương đã đạt được độ vững chắc nhất định. Dây chằng đủ chắc giúp người bệnh thực hiện được những động tác chịu lực lớn hơn như chạy, nhảy và các động tác đối kháng khác.
6-12 tháng:
Người bệnh hoàn toàn có thể trở lại công việc một cách bình thường. 6 tháng là thời gian sớm nhất để người bệnh có thể chơi thể thao trở lại, tuy nhiên để dây chằng phục hồi hoàn toàn thường phải mất 12 tháng. Chú ý các động tác chạy cắt, nhảy… dễ làm tổn thương dây chằng mới.
BS. Dương Đình Toàn (lược dịch)