(GDVN) – Bạn sẽ ngay lập tức từ bỏ thói quen ngoáy tai khi biết được việc làm này có thể gây ra những rủi ro như thế nào đến sức khỏe!
Tuy nhiên, hành động này là vô ích, thậm chí có thể gây tổn hại đối với các bộ phận trong tai cũng như ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể của bạn.
Trong thực tế, tai đã có cơ chế vệ sinh tại chỗ, việc ngoáy tai chỉ làm gián đoạn quá trình tự nhiên này, hoặc tệ hơn, có thể gây tổn thương niêm mạc và các bộ phận.
Viện Tai – mũi – họng Hoa Kỳ gần đây đã cảnh báo mọi người hạn chế hoặc dừng ngay hành động dùng tăm bông và bất kì vật nào khác đưa vào trong ống tai bởi mối nguy cơ gây hại tiềm tàng.
Trên trang web chính thức của mình, họ đã cho thấy sự liên quan giữa việc ngoáy tai thường xuyên với nguy cơ khiếm thính.
Hầu hết mọi người đều cảm thấy hợp lý khi sử dụng tăm bông để loại bỏ ráy tai ra ngoài, bởi vì họ nghĩ rằng đó là chất bẩn.
Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn sai lầm. Ráy tai, y khoa gọi là cerumen, là một đặc điểm tự nhiên có chức năng tự làm sạch đôi tai bạn.
Nó bảo vệ, bôi trơn thành ống tai và có đặc tính chống vi khuẩn. Thông thường, ráy tai chuyển dời từ màng nhĩ ra bên ngoài, làm sạch ống tai bằng cách “thu dọn” vi khuẩn và tế bào da chết. Sau đó, chúng khô lại và tự bong ra ngoài.
Đây là một quá trình tự điều chỉnh và trong điều kiện bình thường, chúng ta không cần thiết phải can thiệp. Nếu thiếu đi chúng, tai sẽ trở nên khô và ngứa ngáy do nhiễm khuẩn.
Khi sử dụng tăm bông để ngoáy tai, bạn đang vô tình đẩu sâu ráy tai vào bên trong hơn. Trong khi chúng đã “thu dọn” xong vi khuẩn, chất bẩn và đang trên đường đi ra, bạn lại đẩy nó vào khiến bụi bẩn và vi khuẩn cùng với ráy mắc kẹt lại.
Tăm bông vô tình đẩy sau ráy tai vào bên trong (Ảnh: Internet) |
Bên cạnh đó, nấm,vi khuẩn và vi rút từ môi trường ngoài theo tăm bông có điều kiện được đẩy vao tai và gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
Ngoáy tai nhiều bằng những vật sắc nhọn gây rách, trầy xước lớp da bảo vệ thành ống tai. Hệ quả, vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào tổ chức liên kết nằm bên dưới lớp da gây viêm ống tai.
Tệ hại nữa, nếu ráy tai bị kẹt sâu bên trong ống tai, nó có thể gây mất thính lực, thậm chí làm hỏng và thủng màng nhĩ. Màng nhĩ bị vỡ cuối cùng có thể lành lại, nhưng phải mất thời gian và gây cho bạn rất nhiều đau đớn.
Tốt nhất, bạn đừng bao giờ đưa bất cứ vật gì vào tai và ngoáy để đưa ráy tai ra ngoài. Việc làm sạch thiếu khoa học này chỉ tạo ra một vòng luẩn quẩn và gây rắc rối cho bạn.
Các nhà khoa học giải thích rằng khi bạn liên tục chà xát vào niêm mạc trong tai, rất nhiều histamin sẽ được sản xuất. Điều này làm cho da bị kích thích và viêm. Bạn càng gãi, tai càng ngứa.
Trong trường hợp có quá nhiều ráy tai, xuất hiện tình trạng đau tai, nghe kém, ù tai, ngứa, mùi hôi và chảy mủ, hãy đến gặp bác sĩ tai – mũi – họng khám xét kĩ càng.
Sau đó, bạn có thể tiến hành làm sạch đôi tai với sự giúp đỡ của các chuyên gia y tế – người có thể giúp lấy ráy tai của bạn ra một cách nhanh chóng và không đau.
Nếu bạn muốn tiếp tục làm sạch đôi tai của mình, cần lưu ý không chèn các vật bên ngoài vào tai trong. Chỉ cần dùng bông và nhẹ nhàng lau phần tai ngoài là được.
Cách khác, hãy dùng hỗn hợp dấm trắng, cồn và một phần nước sạch theo tỉ lệ 1:1:1 ở nhiệt độ cơ thể, sau đó nhỏ vào mỗi bên tai vài giọt.
Mấu chốt vẫn là bạn không nên đặt bất cứ thứ gì vào trong tai mình. Chỉ cần cho cơ thể tự làm “phép thuật” của mình là đủ!