Sụn chêm hình đĩa là một dạng bất thường về hình thái của sụn chêm, thường dễ bị tổn thương hơn so với sụn chêm bình thường khi có chấn thương. Một số người có sụn chêm hình đĩa có thể chung sống hòa bình suốt cuộc đời, tuy nhiên hầu hết trong số họ xuất hiện triệu chứng ngay từ lúc còn nhỏ.
Đặc điểm giải phẫu
Sở dĩ gọi sụn chêm vì có hình thái giống như cái chêm, nằm giữa lồi cầu đùi và mâm chầy. Có hai sụn chêm là sụn chêm trong và sụn chêm ngoài.
Sụn chêm có vai trò hấp thụ và phân tán lực dồn lên khớp gối, bảo vệ sụn khớp. Nhờ có sụn chêm, gối có thể gấp và duỗi dễ dàng với biên độ tối đa. Bình thường sụn chêm có hình giống lưỡi liềm hay trăng khuyết. Khi sụn chêm hình đĩa, hình thái sụn chêm có xu hướng tròn giống “cái đĩa”. Sụn chêm hình đĩa chủ yếu gặp ở sụn chêm ngoài, chiếm tỷ lệ 1-3%. 20% trường hợp sụn chêm hình đĩa gặp cả hai chân.
Phân loại
Sụn chêm hình đĩa được chia thành 3 loại:
- Sụn chêm hình đĩa không hoàn toàn: thân sụn chêm dầy hơn và rộng hơn bình thường
- Sụn chêm hình đĩa hoàn toàn: sụn chêm rộng và che phủ hết mâm chầy
- Sụn chêm siêu di động Wrisberg: Nguyên nhân được cho là thiếu khuyết dây chằng mâm chầy-sụn chêm lúc mới sinh. Do không được giữ bởi dây chằng, sụn chêm đi động dễ dàng trong khớp gây các triệu chứng như đau, kẹt khớp, có tiếng kêu “lách cách” lúc vận động (hội chứng “snapping knee”).
Tổn thương sụn chêm hình đĩa
Hình thái bất thường của sụn chêm làm cho sụn chêm dễ bị mắc kẹt trong khớp, do đó sụn chêm hình đĩa dễ bị rách hơn sụn chêm bình thường khi có yếu tố chấn thương, đặc biệt sụn chêm hình đĩa thể siêu di động.
Nguyên nhân
Không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng. Có người cho rằng, sụn chêm hình đĩa là do sự thiếu hụt dây chằng lúc mới trẻ mới sinh, làm cho sụn chêm căng ra (duỗi thẳng), và quá trình lớn lên trở thành sụn chêm hình đĩa.
Tổn thương sụn chêm hình đĩa thường xẩy ra sau một chấn thương vặn xoắn gối. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, trẻ không có tiền sử chấn thương nhưng vẫn có triệu chứng như kẹt khớp và tiếng kêu “lách cách” trong gối lúc vận động.
Triệu chứng
Triệu chứng lâm sàng. dấu hiệu lâm sàng tùy thuộc vào thể sụn chêm, vị trí, mức độ tổn thương và độ mất vững của sụn chêm hình đĩa, thường gặp là:
- Đau gối
- Sưng và hạn chế vận động gối
- Khớp gối bị kẹt, hoặc có tiếng lách cách trong khớp khi vận động
- Gối cảm giác bị trượt khi bước
- Duỗi không hết gối
- Cơ đùi teo nhỏ (thường do hậu quả của đau, hạn chế vận động)
Khám ở tư thế đồng thời vừa xoay mâm chầy, vừa gấp hoặc duỗi gối, cảm giác có tiếng chạm hoặc nghe tiếng lách cách trong khớp. Rõ hơn sẽ thấy một phần sụn chêm trôi ra ngoài khe khớp, có thể sờ thấy ngay dưới da.
Hình ảnh trên Xquang thông thường: dấu hiệu gợi ý là khoảng sáng khe khớp giữa lồi cầu ngoài xương đùi và mâm chầy ngoài rộng hơn bên bình thường.
Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI): có giá trị chẩn đoán khá chính xác, dựa vào các tiêu chuẩn sau:
- Tiêu chuẩn được áp dụng phổ biến nhất: dựa vào tỷ lệ giữa chỗ hẹp nhất với chỗ rộng nhất của sụn chêm trên mặt phẳng trán (coronal slice), tỷ lệ này lớn hơn 1/5 (20%); dựa vào tỷ lệ giữa chiều rộng thân với đường kính sụn chêm trên mặt phẳng đứng dọc (sagittal slice), tỷ lệ này lớn hơn 75%.
- Tiêu chuẩn ít chính xác hơn: chiều rộng của sụn chêm tại vị trí hẹp nhất lớn hơn 15 mm, và trên ít nhất 3 lát cắt đứng dọc có sự liên tục giữa sừng trước và sừng sau của sụn chêm.
Đối với thể siêu di động Wrisberg thường khó thấy trên phim MRI vì sụn chêm chỉ thay đổi khi gối vận động.
Điều trị
Một số trường hợp sụn chêm hình đĩa được phát hiện tình cờ. Những bệnh nhân có sụn chêm hình đĩa không có bất cứ một triệu chứng gì, không cần thiết phải phẫu thuật.
Chỉ định phẫu thuật khi sụn chêm hình đĩa bị rách hoặc có triệu chứng trên lâm sàng như đau, kẹt khớp, tiếng lách cách khi vận động…Hiện nay, phẫu thuật nội soi là phương pháp điều trị tối ưu, được các phẫu thuật viên lựa chọn.
Tùy theo tính chất, vị trí tổn thương mà phẫu thuật viên sẽ cắt bỏ phần sụn chêm rách hay khâu phục hồi; cắt tạo hình sụn chêm hình đĩa (thân giữa) để giống hình thái sụn chêm bình thường.
Thạc sĩ Dương Đình Toàn