Nội soi khớp là một can thiệp ngoại khoa ít xâm lấn, được thực hiện khá phổ biến hiện nay ở nhiều cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương. Các thành phần trong các khoang khớp vốn chật hẹp, được nhìn thấy rõ qua màn hình bởi một thiết bị phóng đại, kết nối với camera nhỏ đưa vào khớp, qua đó bác sĩ có thể vừa chẩn đoán chính xác các tổn thương trong khớp, vừa can thiệp, xử lý các tổn thương đó.Với những công nghệ kỹ thuật số ngày càng hiện đại, khả năng vi xử lý hình ảnh giữa màn hình và camera ngày càng cao, hiệu quả điều trị một số tổn thương trong khớp bằng kỹ thuật nội soi ngày càng lớn. Theo số liệu của hội chấn thương chỉnh hình Mỹ, hàng năm có hơn 4 triệu khớp gối được phẫu thuật bằng nội soi.
Phẫu thuật nội soi khớp được tiến hành như thế nào.
Phẫu thuật nội soi khớp được tiến hành bằng vài đường rạch da nhỏ (dưới 1cm), qua đó, các thiết bị và dụng cụ nội soi có kích thước nhỏ như camera, lưỡi bào, dao, kéo… được đưa vào trong khớp. Hình ảnh toàn bộ bên trong khớp được phóng đại và truyền trực tiếp từ camera ra màn hình lớn. Trên màn hình, phẫu thuật viên (PTV) có thể quan sát một cách chi tiết, rõ nét cấu trúc các thành phần của khớp, từ đó các tổn thương được xác định. Tổn thương đó có thể được sửa chữa, tái tạo hay cắt tạo hình, tùy loại nào mà PTV sẽ sử dụng các dụng cụ để thực hiện các thao tác đó.
Ưu điểm của phẫu thuật nội soi
Phẫu thuật nội soi khớp phát huy tối đa những ưu điểm của một phẫu thuật ít xâm lấn (ít gây tổn thương thêm cho người bệnh). Vì vậy sau mổ, người bệnh ít đau đớn, giảm nguy cơ nhiễm trùng, rút ngắn thời gian nằm viện, nhanh chóng phục hồi và trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường.
Bạn phải làm gì trước khi phẫu thuật
Nếu bạn quyết định trải qua cuộc phẫu thuật nội soi khớp, trước đó, bạn phải được bác sỹ khám xét đầy đủ để đánh giá tình trạng sức khỏe của bạn xem cuộc phẫu thuật có an toàn hay không; đánh giá các mức độ tổn thương và đưa ra cho bạn các phương pháp và ưu nhược điểm của từng phương pháp phẫu thuật; xem xét các vật liệu nào có thể được sử dụng trong phẫu thuật, ưu nhược điểm của từng loại vật liệu, từ đó bạn sẽ được tư vấn để lựa chọn cho mình một phương pháp và vật liệu phù hợp nhất, vừa đảm bảo hiệu quả, an toàn, vừa đảm bảo chi phí hợp lý.
Chế độ luyện tập sau mổ
Kết quả của quá trình điều trị bệnh nói chung, cũng như điều trị bằng phẫu thuật mang lại như thế nào thì vai trò của người thầy thuốc chiếm một phần, phần còn lại là nỗ lực, là ý thức của chính người bệnh. Điều này càng thể hiện rõ trong phẫu thuật nội soi khớp. Cuộc phẫu thuật nội soi khớp thành công mới chỉ dừng ở kết quả bước đầu, quá trình tuân thủ, tập luyện sau mổ tốt mới mang lại kết quả chung cuộc. Đối với nội soi khớp, tùy theo thành phần nào của khớp tổn thương, tùy theo vật liệu nào được sử dụng, và tùy theo kỹ thuật mổ nào được áp dụng mà có chế độ luyện tập khác nhau. Có thể nói không có một bài tập y hệt cho những bệnh nhân sau mổ nội soi khớp. Bài tập cụ thể cho từng bệnh nhân cụ thể phải được đưa ra dựa trên sự thảo luận giữa phẫu thuật viên và bác sỹ phục hồi chức năng. Lời khuyên cho các bệnh nhân sau mổ nội soi khớp là tuân thủ nghiêm túc chế độ luyện tập sau mổ do phẫu thuật viên cùng bác sỹ phục hồi chức năng đưa ra, tiếp đó tái khám đầy đủ theo hẹn và tốt nhất là phải do chính người mổ cho mình khám, theo dõi trong cả quá trình.
Thạc sĩ Dương Đình Toàn