(Tiếp bài: “Đứt gân bánh chè: một loại tổn thương không hiếm gặp”) – Khi được chẩn đoán là đứt gân bánh chè, người bệnh cần đến khám bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được tư vấn và điều trị.
Chỉ định phương pháp điều trị phụ thuộc vào:
- Mức độ và tính chất của tổn thương
- Mức độ hoạt động của người bệnh
- Tuổi
Điều trị bảo tồn (không phẫu thuật).
Chỉ định cho rách nhỏ, một phần gân bánh chè. Điều trị bảo tồn phần lớn mang lại kết quả tốt.
Bất động. Bất động bằng nẹp tư thế duỗi gối trong thời gian 3-6 tuần. Khi đi lại dùng hai nạng trợ đỡ, tránh tỳ toàn bộ trọng lượng cơ thể lên chân tổn thương.
Tập luyện. Thực hiện một số bài tập để tăng sức khỏe của cơ, lấy lại biên độ vận động của khớp gối.
Trong thời gian mang nẹp: tập gồng cơ bằng cách nâng chân lên khỏi mặt giường trong tư thế duỗi thẳng gối. Khi tháo nẹp (gân đã liền kỳ đầu), tập gấp duỗi gối từ từ tăng dần biên độ. Có thể chơi thể thao trở lại sau 6 tháng.
Điều trị bằng phẫu thuật.
Phần lớn những tổn thương gân bánh chè phải điều trị bằng phẫu thuật thì mới lấy lại được chức năng bình thường của gối. Điều trị bằng phẫu thuật chỉ định cho rách lớn hoặc đứt hoàn toàn gân bánh chè. Phẫu thuật càng sớm kết quả càng tốt. Nếu để muộn, khi tổ chức xơ đã hình thành sẽ ngăn cản sự liền gân, khi đó phẫu thuật khâu lại gân thường mang lại kết quả kém, bắt buộc phải chuyển gân thay thế.
Các phương pháp phẫu thuật thường áp dụng: khâu lại gân bánh chè và chuyển gân.
Khâu lại gân bánh chè (Hình 1A): được chỉ định khi bệnh nhân đến sớm. Trong đứt gân bánh chè do chấn thương, vị trí đứt thường sát ngay chỗ bám cực dưới xương bánh chè, khi khâu (gân-xương) phải tạo đường hầm khâu xuyên qua xương. Đối với đứt gân trên nền bệnh lý (viêm gân), vị trí đứt gân thường là giữa gân, khi khâu (gân-gân), kỹ thuật như khâu gân bình thường.
Sau khâu gân, phải tăng cường vòng chỉ thép xuyên qua xương chầy và xương bánh chè để bảo vệ miệng nối, chỉ thép này sẽ rút khi gân đã liền chắc (có một số tác giả không chủ trương khâu vòng chỉ thép bảo vệ).
Chuyển gân (Hình 1B): được chỉ định khi bệnh nhân đến muộn, tại vị trí đứt gân đã hình thành tổ chức xơ, đồng thời đầu gân đã co ngắn. Có nhiều kỹ thuật chuyển gân có thể được áp dụng, tuy nhiên phổ biến nhất là sử dụng gân cơ bán gân và gân cơ thon tự thân.
Kỹ thuật khâu mới (Hình 2): kỹ thuật khâu neo (Suture anchor): dùng vít kiểu mỏ neo vít chặt đầu gân vào cực dưới xương bánh chè .
Chế độ vận động sau mổ.
Ngay sau mổ dùng thuốc giảm đau, chườm đá. Cắt chỉ khâu da sau 2 tuần. Bất động bằng ống bột trong thời gian 3-6 tuần, tư thế duỗi gối. Đi lại có nạng, tỳ một phần chân mổ (50%) từ tuần thứ 2 đến tuần thứ 4. Sau 4-6 tuần tỳ hoàn toàn trọng lượng cơ thể. Sau khi tháo bột , tập gấp duỗi gối từ từ tăng dần để lấy lại biên độ khớp gối.
Một số trường hợp mũi khâu chắc, bệnh nhân có thể tập vận động gối ngay sau mổ.
Thông thường sau 6 tháng bệnh nhân mới có thể trở lại mọi hoạt động bình thường, có trường hợp phải mất 12 tháng.
Thạc sĩ Dương Đình Toàn