Bàn chân khòe là một dị tật bẩm sinh, có tính di truyền, hay gặp nhất ở trẻ em. Trên thế giới, cứ 1000 trẻ được sinh ra thì có một trẻ bị dị tật bàn chân khòeo. Tại Việt Nam, dị tật bàn chân khoèo gặp rất phổ biến, đặc biệt trẻ em ở các tỉnh vùng cao. Biến dạng điển hình của bàn chân khoèo là: phần trước bàn chân bị khép; gót và phần sau bàn chân vẹo trong; bàn chân duỗi đổ kiểu bàn chân ngựa; vòm gan chân lõm.
1. Nguyên nhân: chưa rõ ràng, có nhiều giả thuyết:
Bất thường về gen => mang tính di truyền.
Tư thế bàn chân thời kỳ bào thai bất thường.
Đột biến nhiễm sắc thể: trẻ bị cứng đa khớp bẩm sinh (bàn chân khoèo, cứng khớp gối, cứng khớp khuỷu, cứng khớp vai, trật khớp háng…).
Bất thường về cấu trúc xương bàn chân, về thần kinh chi phối bàn chân….
2. Lâm sàng.
Ngay mới sinh, bàn chân biến dạng: nửa sau bàn chân duỗi đổ và lật ngửa vào trong. Teo cơ vùng bắp chân. Ba biến dạng cơ bản của bàn chân khoèo là bàn chân duỗi đổ, vẹo trong và khép.
Da bàn chân thường căng mỏng ở phía gan chân, dầy lên ở phía bờ ngoài và mu chân.
Khi dị tật hai chân thì biến dạng ít khi giống nhau. Khi đứa trẻ lớn lên sẽ đi bằng bờ ngoài của bàn chân, tỳ lên thân và nền đốt bàn 5, bị nặng trẻ đi bằng mu chân. Chỗ tỳ mới sẽ dày lên thành chai sẹo và có tùi nhầy. Khi đi, chân bị xoay ngoài.
3. Dấu hiệu trên X quang.
Trên phim chụp bàn chân thẳng và nghiêng, tập trung vào xương sên và xương gót cho biết mức độ nặng của bệnh.
Trên phim thẳng và phim nghiêng thấy trục dọc của xương sên và xương gót song song hoặc xu thế song song với nhau (bình thường hai trục này tạo một góc 30-35 độ mở ra trước khi chụp thẳng và 20 độ khi chụp nghiêng).
Ngoài ra còn thấy trật nhẹ khớp sên gót, sên thuyền, thân xương sên duỗi đổ. Nếu biến dạng lâu năm, xương đốt bàn cong vẹo vào trong.
4. Điều tri.
Mục đích của điều trị không phải là hình dáng bên ngoài của bàn chân mà là lập lại quan hệ bình thường về xương
Điều trị bàn chân khòeo theo từng giai đoạn, phụ thuộc vào tuổi
• Điều trị bảo tồn:
Đối với trẻ sơ sinh và cho con bú: nắn ngay sau khi trẻ chào đời
Nắn chỉnh (bớt ngửa, bớt đổ) và bó bột dưới gối. Mỗi ngày chỉnh một ít và thay bột trong tuần đầu, những tuần sau thưa dần. Không để bột quá 15 ngày vì trẻ còn lớn. Khi trẻ lớn lên cho đi dày chỉnh hình.
• Mổ chỉnh hình: Chỉ định khi điều trì bảo tồn thất bại. Thời điểm mổ: tối thiểu trẻ trên 3 tháng tuổi, nặng trên 6kg.
Các thủ thuật can thiệp trên phân mền, bao gồm:
‒ Kép dài gân Achille
‒ Giải phóng bao khớp chầy sên và sên gót.
‒ Kéo dài gân gấp ngón cái, cắt gân gấp các ngón
‒ Cắt cân gan chân
‒ Chuyển gân
Sau thủ thuật, bó bột trong thời gian 3-4 tuần
Các phẫu thuật can thiệp trên xương:
Trong trường hợp biến dạng nặng, can thiệp phần mềm chưa đủ, cần can thiệp cả phần xương.
Nên can thiệp về xương khi trẻ lớn trên 12 tuổi.
‒ Nạo xương xốp ở xương sên
‒ Đục hình chêm cổ xương sên
‒ Đục hình chêm mắt cá ngoài và xương gót
‒ Đục hình chêm nền các đốt bàn
‒ Đục hình chêm qua khớp gót hộp và sên thuyền
‒ Đục xương chữa xoay xương chầy
Sau đục xương cố định bằng đinh Kirschner, và bó bột trong vòng 5-6 tháng.
Thạc sĩ Dương Đình Toàn