Bàn chân trẻ thời gian đầu có hình dạng của bàn chân bẹt vì lớp mỡ dưới da trải dài theo gan chân. Lớp mỡ này sẽ tự rút đi cho đến 4 tuổi, để tạo hình vòm cho gan chân, tránh tiếp xúc trực tiếp của bàn chân xuống sàn nhà khi đứng. Khi các xương không tương xứng với nhau, khiến phần trong của bàn chân giữa chịu sức nặng cơ thể tạo thành bàn chân bẹt thực sự. Biến dạng này được chia thành cứng hay mềm.
Bàn chân bẹt cứng là khi không có vận động bình thường của bàn chân. Nguyên nhân là biến dạng bẩm sinh trật về phía mu của khớp sên thuyền. Mổ nắn chỉnh sớm được chỉ định. Bàn chân bẹt cứng biểu hiện muộn ở trẻ nhỏ thường do dính khối xương cổ chân. Triệu chứng là đau và co cứng của cơ mác bên. Tuỳ thuộc vào tuổi và triệu trứng để chỉ định phẫu thuật.
Bàn chân bẹt mềm, cung gan chân trong cũng bị chịu lực cơ thể và cũng tạo ra vẹo ngoài của xương gót. Khi đứng bàn ngón chân hoặc ngồi xếp chân sẽ trả lại cung gan chân và chỉnh biến dạng vẹo ngoài của gót. Một số bệnh nhân có thể bị đau khi chịu tải. Đau tuỳ mức độ nhiều hay ít và ít liên quan đến sự biến dạng.
Điều trị bàn chân bẹt mềm không triệu chứng ở trẻ nhỏ còn bàn cãi. Bố mẹ thì lo lắng vì biến dạng của trẻ và thường yêu cầu điều trị. Nhiều trẻ với bàn chân bẹt mềm khi lớn lên chỉ bị biến dạng và đau ít. Những trẻ bị bàn chân bẹt mềm nhưng đau có thể cần điều trị. Những bài tập căng dãn, làm khoẻ cơ cùng gan chân được chỉ định, hỗ trợ thêm bằng giầy chỉnh hình. Nếu không đạt kếp quả thì phẫu thuật được chỉ định. Hiện có nhiều phương pháp, hay được dùng là cắt 1 phần xương thuyền và chuyển bám tận của gân chày sau. Nguy cơ lớn nhất của phẫu thuật là bàn chân có thể bị cứng lại và đau nhiều hơn.
BSCK2 Phùng Ngọc Hòa