TÓM TẮT
Mục tiêu: Đánh giá kết quả sớm và xác định tỉ lệ tai biến, biến chứng của phẫu thuật thay khớp háng bán phần lưỡng cực trên nhóm bệnh nhân tuổi từ 65 trở lên.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Bệnh nhân tuổi từ 65 trở lên gãy cổ xương đùi chấn thương được phẫu thuật tại Bệnh Viện Đa Khoa Thống Nhất Đồng Nai và Bệnh viện Chợ Rẫy từ 9/2009 đến 9/2012. Thiết kế tiền cứu mô tả dọc.
Kết quả và bàn luận: Có 60 bệnh nhân được nghiên cứu. Ngoài 1 ca tử vong, có 59 ca với 59 khớp được thay, theo dõi trung bình 15,3 tháng. Tuổi và giới không liên quan kết quả điều trị. Loại khớp bao gồm Zimmer 29, Serf 13, Stryker 9 và Depuy 9. Có 28 khớp dùng xi măng và 32 khớp không dùng. Vị trí chuôi trung tính 54 ca, vẹo ngoài 2 ca, vẹo trong 4 ca. Không gặp ca nào lỏng chuôi. Kỹ thuật xi măng phân loại theo Barrack loại A 17 ca (68%) và loại B 8 ca (32%). Kết quả lâm sàng theo Harris: 31 ca rất tốt, 12 ca tốt, 5 ca trung bình, 11 ca kém, tương đương với các tác giả khác. Kết quả kém thường do kết hợp bệnh nội khoa hoặc già yếu. Mổ sớm có kết quả tốt hơn mổ muộn. Không gặp tổn thương mạch máu, thần kinh, gãy xương, tử vong trong mổ. Có 6 ca ngắn chi làm giảm sự hài lòng của bệnh nhân. Một ca nhiễm khuẩn vết mổ, được cắt lọc 2 lần và ổn định sau 4 tuần. Một ca mòn ổ cối sau 32 tháng nhưng không có dấu hiệu lâm sàng. Một ca tử vong do tai biến mạch máu não sau mổ 4 tuần, không thấy liên quan với cuộc mổ.
Kết luận: Phẫu thuật thay khớp háng bán phần lưỡng cực ở nhóm người lớn tuổi có tỉ lệ tốt và rất tốt chiếm đa số (72,88%). Mổ sớm tốt hơn (90%) so với mổ muộn (69,38%). Tai biến do mổ không nhiều.
Từ khóa: thay khớp háng, bán phần lưỡng cực, lớn tuổi, gãy cổ xương đùi
Abstract
Results of bipolar hemiarthroplasty after femoral neck fractures in elderly patients
Background: A bipolar hemiarthroplasty (BH) is often used as treatment for acute femoral neck fractures. This study investigated the results of BH after femoral neck fractures in elderly patients (more than 60 years old).
Patients and method: Population was elderly patients with acute femoral neck fractures admitted to Thống Nhất and Chợ Rẫy hospital from sep 2009 to sep 2012. This is a descriptive and prospective study.
Results: There were sixty patients involved in the study. One died and 59 were followed up for 15,3 months. Sex and age were not related to results. Source of implants: Zimmer 29, Serf 13, Stryker 9 and Depuy 9. Cemented in 28 cases and non-cemented in 32 cases. Stem in good position in 54 cases, valgus in 2 cases and varus in 4 cases. No loosening stem was seen. According to Barrack’s classification, there were 17 cases (68%) in group A and 8 cases (32%)in group B. Following Harris assessment, ther were 31 very good cases, 12 good cases, 5 medium cases and 11 bad cases. This result is similar to other authors. Early operation gave the better results than delayed cases.
Conclusion: For bipolar hemiarthroplasty in elderly patient, the very good and good results were dominant (72,88%). Early operation was better than delayed. Complication was few.
Key word: hip arthroplasty, bipolar, hemiarthroplasty, old patient, femoral neck fracture
1/ ĐẶT VẤN ĐỀ
Gãy cổ xương đùi(GCXĐ) là một gãy xương thường gặp ở người lớn tuổi. Phẫu thuật thay khớp háng bán phần lưỡng cực(TKHBPLC) hay toàn phần là phương pháp điều trị được lựa chọn hàng đầu hiện nay. Y văn đã có nhiều báo cáo về kết quả phẫu thuật TKHBPLC chung cho mọi lứa tuổi. Nhưng hiện vẫn còn rất ít những báo cáo kết quả trên các bệnh nhân(BN) lớn tuổi, ở độ tuổi từ 65 trở lên. Vì vậy, chúng tôi nghiên cứu nhằm 2 mục tiêu: (1) Đánh giá kết quả sớm và (2) Xác định tỉ lệ tai biến, biến chứng của phẫu thuật này trên nhóm bệnh nhân lớn tuổi.
2/ ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
-Đối tượng: BN từ 65 trở lên, gãy cổ xương đùi mới (≤ 4 tuần) do chấn thương được phẫu thuật TKHBPLC tại Bệnh viện Đa Khoa Thống Nhất Đồng Nai và Bệnh viện Chợ Rẫy, từ 9/2009 đến 9/2012.
-Thiết kế nghiên cứu: Tiền cứu mô tả dọc
-Phương pháp điều trị: Mổ đường sau, đường rạch da dài 10-12cm. Thay khớp bán phần lưỡng cực có hoặc không có xi măng. Kháng sinh dự phòng đường tĩnh mạch trước mổ 30 phút. Sau mổ tiếp tục dùng kháng sinh dự phòng 5-7 ngày, rút dẫn lưu sau 24-48 giờ, hướng dẫn bệnh nhân tập vận động thụ động, chủ động và vật lý trị liệu phục hồi chức năng theo quy trình.
3/ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Có 60 BN được lấy vào lô nghiên cứu. Ngoài 1 BN tử vong sau phẫu thuật 1 tháng, chúng tôi theo dõi được 59 BN với 59 khớp được thay. Thời gian theo dõi trung bình là 15,3 tháng (3-32 tháng)
3.1. Đặc điểm phân bố số liệu
– Đặc điểm bệnh nhân: Có 35 BN từ 60 đến 75 tuổi (25 nữ, 10 nam), 25 BN trên 75 tuổi (19 nữ, 6 nam). Tuổi trung bình: 74,8 (65-92 tuổi). Tai nạn sinh hoạt 59 BN (98,3%), tai nạn giao thông 1 BN (1,7%). Có 39 ca gãy bên trái và 21 ca gãy bên phải. Có 29/59 bệnh nhân có bệnh nội khoa kết hợp chiếm 49%, bao gồm bệnh tim mạch (28,8%), tiểu đường (8,4%), tai biến mạch máu não (11,9%), vừa tim mạch và tiểu đường (5,1%).
– Thời gian từ khi gãy xương đến khi được phẫu thuật: Thời gian từ tai nạn đến lúc mổ và kết quả lâm sàng được cho trong bảng1.
Bảng 1: Thời gian từ khi gãy xương đến lúc mổ và kết quả lâm sàng | |||
Thời gian/ Kết quả |
Kém, Trung Bình |
Tốt, rất tốt |
Tổng |
< 1 tuần |
01(5,3%) |
18(94,7%) |
19 |
2–4 tuần |
11(33,3%) |
22(66.7%) |
33 |
4–6 tuần |
04(57,1%) |
03(42,7%) |
07 |
Tổng |
16(27,1%) |
43(72,9%) |
59 |
– Thời gian mổ trung bình (n=60): 76,8 phút (55 phút-120 phút).
– Số bệnh nhân truyền máu (n=60): Có 14 BN phải truyền máu (23,3%) và 46 BN không truyền (76,7%). Số lượng máu truyền từ 250ml đến 700ml.
– Đặc điểm khớp nhân tạo: Khớp nhân tạo của nhiều hãng sản xuất khác nhau, bao gồm Zimmer (29 BN, 48,3%), Serf (13 BN, 21,7%), Stryker (9 BN, 15%), Depuy (9 BN, 15%). Loại khớp thay có xi măng 28 ca (nhóm BN trên 70 tuổi chiếm 92%), không xi măng 32 ca (nhóm BN trên 70 tuổi chiếm 71%). Đường kính chỏm nhân tạo (n= 60) trung bình là 43,85mm (39-53mm).
3.2 Kết quả điều trị:
3.2.1. Kết quả gần: Thời gian nằm viện sau mổ trung bình (n=60) là 14,9 ngày (8-45 ngày). Có 1 ca nhiễm khuẩn vết mổ. So le chi (n= 60) có 6 ca, trong đó 5 BN ngắn chi < 0,5cm, 1 BN ngắn chi 0,5 – 1cm. X-Quang sau mổ có vị trí chuôi (n=47) trung tính 54 ca (90%), vẹo ngoài 2 ca (3,3%), vẹo trong 4 ca (6,7%). Không có ca nào bị gãy xương. Chất lượng xi măng sau mổ theo Barrack (n=25): Loại A 17 BN (68%), loại B 8 BN (32%).
3.2.2. Kết quả xa
-Tổng biên độ vận động của khớp háng được thay được cho trong bảng 2
Bảng 2: Tổng biên độ vận động của khớp háng được thay (n=59) | ||
Tổng tầm vậng động |
Số BN |
Tỉ lệ % |
2110 – 3000 |
31 |
52,5 |
1610 – 2100 |
19 |
32,2 |
1010 – 1600 |
8 |
13,6 |
610 – 1000 |
1 |
1,7 |
Tổng |
59 |
100 |
Có 50/59 (84,8%) khớp được thay đạt biên độ vận động >1600
– Mức độ đau được cho trong bảng 3
Bảng 3: Mức độ đau | ||
Mức độ đau |
Số lượng |
Tỷ lệ % |
Không đau |
32 |
54,2 |
Có, nhưng không đáng kể |
22 |
37,3 |
Có, dùng thuốc giảm đau vừa |
3 |
5,1 |
Đau vừa, dùng thuốc giảm đau mạnh |
2 |
3,3 |
Đau nhiều, hạn chế vận động nhiều |
0 |
0 |
Tàn phế, mất chức năng hoàn toàn |
0 |
0 |
Tổng |
59 |
100 |
Vậy có 54/59 ca (91,5%) không đau hoặc đau nhẹ không ảnh hưởng đến vận động và không phải dùng thuốc giảm đau.
– Kết quả chung theo Harris được cho trong bảng 4
Bảng 4: Kết quả lâm sàng theo Harris (n=59) | ||
Mức độ |
Số lượng bệnh nhân |
Tỉ lệ % |
Rất tốt (90-100đ) |
31 |
52,5 |
Tốt (80-89đ) |
12 |
20,3 |
Trung bình (70-79đ) |
5 |
8,6 |
Kém (dưới 70đ) |
11 |
18,7 |
Tổng cộng |
59 |
100 |
* Tổng số rất tốt và tốt là 43 BN, chiếm 72,9%.
* Điểm Harris trung bình là 82,6 (40-97 điểm)
* Hầu hết các bệnh nhân đều hài lòng với kết quả phẫu thuật
– Kết quả theo nhóm có bệnh nội khoa kết hợp hoặc không. Có 24 BN có các bệnh nội khoa kết hợp trước khi nhập viện, một ca tai biến lần 2 sau mổ 4 tuần không đánh giá được. Chi tiết kết quả liệt kê trong bảng X
Bảng 3.20: Kết quả theo nhóm có bệnh nội khoa kết hợp hoặc không | ||
Kết quả | BN có bệnh nội khoa | BN không có bệnh nội khoa |
Rất tốt (90-100đ) |
7 (30,4%) |
25 (69,5%) |
Tốt (80-89đ) |
6 (26,1%) |
4 (11,1%) |
Trung bình (70-79đ) |
2 (8,7%) |
4 (11,1%) |
Kém (dưới 70đ) |
8 (34,8%) |
3 (8,3%) |
Tổng cộng |
23 |
36 |
3.2.3. Tai biến, biến chứng
– Tai biến trong mổ và biến chứng gần: 01 ca nhiểm trùng sau mổ
– Biến chứng xa : Mòn ổ cối: 01 BN. Không có lỏng chuôi, gãy xương quanh khớp nhận tạo, trật khớp.
– Tử vong: Có 1 ca tử vong do tai biến mạch máu não sau mổ 4 tuần
4/ BÀN LUẬN
Kết quả liên quan đến giới tính. Theo một số tác giả, sau 50 tuổi tỉ lệ GCXĐ ở nữ giới cao gấp 3 – 4 lần so với nam giới. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ nữ / nam = 2,5/1. Điều này khá phù hợp với tần suất gãy xương của các tác giả khác.Tuy nhiên đây chỉ một phần cho thấy tần suất gãy cổ xương đùi giữa nam và nữ có sự khác biệt nhau. Còn về kết quả điều trị thì như nhau ở cả 2 giới. Kết quả này cũng tương tự như báo cáo của Frihagen F[1], Wazir N.N[2]
Kết quả liên quan đến thời điểm phẫu thuật: Tiffany A.[3] báo cáo những BN được mổ sớm (trước 4 ngày) có kết quả LS tốt hơn những BN mổ muộn. Lauren A.[4] cũng có nhận xét tương tự. Trong nghiên cứu của chúng tôi các bệnh nhân được mổ sớm trong vòng 1 tuần có 01 BN có kết quả trung bình và 18 BN có kết quả tốt và rất tốt (94,74%). Những BN được mổ muộn hơn (1-4 tuần) thì có 11 BN có kết quả trung bình và 22 BN tốt và rất tốt (66,67%). Những BN được mổ muộn hơn nữa (4-6 tuần) thì có 04 BN có kết quả trung bình và 03 BN tốt và rất tốt (42,86%). Kết quả này cho thấy nếu mổ sớm (p=0,01<0,05 có ý nghĩa thống kê) sẽ cho kết quả tốt hơn. Tuy nhiên cũng có thể là vì các bệnh nhân trong điều kiện tốt không có bệnh nội khoa mới được mổ sớm, Kết quả này cũng xác nhận nhận xét bệnh nhân có bệnh nội khoa sẽ có kết quả kém hơn.
Kết quả liên quan đến tuổi và bệnh nội khoa: Tuổi là một yếu tố quan trọng phải tính đến để có chỉ định điều trị phù hợp cho các bệnh nhân gãy cổ xương đùi. Kết quả 2 nhóm tuổi lớn và nhỏ không khác nhau nhiều, trong khi đó kết quả có sự khác biệt giữa nhóm có và không có bệnh nội khoa. Điều này cho thấy tuổi không phải là yếu tố chống chỉ định mổ. Trong số 23 BN có bệnh nội khoa kết hợp có kết quả: rất tốt và tốt 13 ca (54,17%), trung bình và kém 10 ca (45,83%). Nhóm kết quả trung bình và kém thường liên quan nhiều tới các bệnh lí nội khoa kết hợp (p=0,007<0,05), đặc biệt là tai biến mạch máu não(TBMMN). Nhận xét này cũng tương tự như nhận xét của Shen J và cs[5].
Kết quả liên quan đến loại khớp: Với GCXĐ ở người lớn tuổi (≥65 tuổi) nếu lựa chọn KHX thì khả năng thất bại rất cao. Vì vậy, Giliberty R.P.[6] cũng như nhiều tác giả khác khuyên nên TKHBPLC cho các bệnh nhân này. Chúng tôi cũng chọn TKHBPLC cho hầu hết các bệnh nhân lớn hơn 65 tuổi bị GCXĐ. Có nhiều nghiên cứu cho thấy KHBPLC ít gây mòn ổ cối hơn hẳn khớp háng đơn cực[7]. Theo chúng tôi, nếu bệnh nhân tuổi thọ không còn nhiều, yêu cầu điều trị không cao thì có thể sử dụng khớp đơn cực với chi phí thấp và kết quả lâm sàng ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên do điều kiện khách quan hiện nay, việc cung cấp đủ cỡ chỏm và chuôi của khớp háng đơn cực không đầy đủ nên khó thực hiện được trên bệnh nhân.
Kết quả liên quan đến khớp có hay không có xi măng: Hầu hết các nghiên cứu đều cho kết quả nhóm cố định xi măng và không xi măng không có khác biệt về tỉ lệ biến chứng sau mổ, thời gian mổ, mức độ mất máu và tỉ lệ tử vong, nhưng nhóm không xi măng tỉ lệ đau sau mổ cao hơn[8]. Nghiên cứu của chúng tôi gồm 28 ca có xi măng và 31 ca không có xi măng, kết quả không thấy có sự khác biệt (p=0,4). Có thể là do chúng tôi đã cân nhắc cẩn thận trường hợp nào thì dùng loại khớp nào cho phù hợp. Trong 28 (41,66%) ca dùng xi măng, phần lớn là bệnh nhân lớn tuổi (>70 tuổi chiếm 92%). Dù kết quả đánh giá theo Barrack có 17 (68%) ca loại A và 8 (32%) ca loại B, nhưng kết quả lâm sàng không có khác nhau.
Kết quả liên quan đến đường mổ: Tất cả các ca mổ của chúng tôi đều mổ đường sau. Đường mổ này được cho là bị trật khớp háng ra sau nhiều hơn. Tuy nhiên nghiên cứu của chúng tôi trên 60 trường hợp theo dõi khá lâu chưa thấy trường hợp nào trật khớp. Một số tác giả cho là có sự liên quan giữa tỉ lệ nhiễm trùng và đường mổ trước hay sau, nhưng kết quả tỉ lệ nhiễm trùng của chúng tôi cũng thấp chỉ 1/60 bệnh nhân. Vì vậy chúng tôi cho rằng đối với TKHBPLC, đường mổ sau cũng là một đường mổ tốt.
Kết quả liên quan đến vị trí chuôi: Trong nhóm nghiên cứu có 2 (3,33%) ca vẹo ngoài, 4 (6,66%) ca vẹo trong và 54 ca tư thế trung tính. Vị trí chuôi vẹo trong hoặc ngoài về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả như trật khớp, gẫy xi măng, lỏng chuôi, mòn ổ cối. Nghiên cứu chúng tôi thời gian theo dõi còn ngắn nên cũng chưa thấy khác biệt về kết quả của các ca vẹo chuôi và không vẹo.
Truyền máu : PT thay khớp háng là một PT lớn, có thể gây mất máu nhiều. Có 14 BN (23,33%) cần truyền máu và 46 BN (76,67%) không cần truyền máu. Số lượng máu truyền tùy thuộc vào thể trạng BN và cấp độ mất máu trong phẫu thuật. Số lượng truền máu tối đa 700ml, chứng tỏ nhu cầu truyền máu trong lúc mổ cũng không nhiều.
Kết quả lâm sàng
-Kết quả chung của chúng tôi theo Harris : Tốt và rất tốt chiếm 43/59 BN (72,88%)
Bảng 4.1: So sánh kết quả với một số tác giả khác | |||
Tác giả |
Số BN (n) |
Tỉ lệ tốt và rất tốt(%) |
p |
P.J.Rae |
98 |
64,80 |
>0,05 |
Maini |
270 |
65,20 |
>0,05 |
Nhâm Sỹ Đức |
40 |
89,20 |
p=0,0531 |
Chúng tôi |
59 |
72,88 |
|
Các chỉ số quan trọng của Harris là mức độ giảm đau và khả năng đi lại đã đạt điểm khá cao sau PT thay khớp háng bán phần
Biến chứng :
– So le chi: Chúng tôi có 6 ca ngắn chi thật, tất cả đều không phát hiện được trong khi mổ. Đến khi chụp XQ mới phát hiện ra nên không thể sửa lại được. Theo tiêu chuẩn Harris thì chỉ khi so le chi > 3,2 cm thì mới có ý nghĩa. Việc mổ lại để sửa ngắn chi là không cần thiết vì có thể gây tăng nguy cơ mất vững khớp. Thực tế khó mà đánh giá chính xác chiều dài chi trong lúc mổ. Để giảm thiểu nguy cơ này, cần đo đạc tính toán trước, trong mổ tốt, điều chỉnh hợp lí giữa yêu cầu khôi phục chiều dài chi và đảm bảo độ vững khớp.
– Nhiễm khuẩn: Là một biến chứng đáng sợ của phẫu thuật chỉnh hình nói chung và của TKHBPLC nói riêng. Nghiên cứu của chúng tôi có 1 BN nữ 84 tuổi bị nhiễm khuẩn vết mổ vào ngày thứ 5 sau phẫu thuật. Chúng tôi đã xử lý: cắt chỉ, tách vết mổ để cắt lọc 2 lần, thay băng hàng ngày và dùng kháng sinh theo theo kháng sinh đồ liều cao, kéo dài. Sau 4 tuần vết mổ ổn định. Tỉ lệ nhiễm trùng rất khác nhau tùy theo điều kiện phẫu thuật và các báo cáo của các tác giả khác nhau như Charnley (1-2%), Schippinger G (4%), Dennis K. (1%), Ngô Bảo Khang (1,6%)[9], Nguyễn Tiến Bình (1%)[10], Đỗ Hữu Thắng (3%)[11]. So sánh với các tác giả khác thì tỷ lệ nhiễm khuẩn 1,7% của chúng tôi không phải là cao và có thể chấp nhận được.
– Mòn ổ cối: Tỉ lệ mòn ổ cối trong 2 năm đầu dao động từ 0%-5% [4]. Có nhiều yếu tố khác nhau gây mòn ổ cối sớm. Triệu chứng lâm sàng là đau vùng háng, mông, đi lại đau tăng. Chúng tôi có một bệnh nhân nữ 72 tuổi, theo dõi 32 tháng, trên X- quang có dấu hiệu mòn ổ cối độ 1-2, nhưng chưa có dấu hiệu lâm sàng. Trường hợp này chúng tôi chưa tìm thấy yếu tố nào gây mòn ổ cối và cũng chưa can thiệp gì thêm, mặc dù Bose W.J [12] khuyên rằng nếu Xquang có dấu hiệu mài mòn thì nên mổ sớm, không cần chờ đến khi BN đau nhiều.
– Lỏng chuôi: Theo một số tác giả: tỉ lệ lỏng chuôi dao động từ 0-2,5% sau 3 năm. Theo Maini [13] tốc độ lỏng chuôi có thể tăng khoảng 1% năm. Các yếu tố dẫn đến lỏng chuôi có thể là không lấy hết xương xốp vùng mấu chuyển lớn và trong ống tủy xương đùi, xi măng quanh chuôi không đều và không đảm bảo độ dầy 2 -3 mm, chuôi đặt không đúng vị trí hoặc chuôi không được giữ chắc trong quá trình xi măng cứng nên xi măng, chuôi và xương không kết dính với nhau tốt. Trong nghiên cứu của chúng tôi, chưa gặp trường hợp nào lỏng chuôi.
– Mất vững khớp (trật và bán trật khớp). Theo các tác giả, tỉ lệ biến chứng này của TKHBPLC là vào khoảng 1,2% -3,4% [14]. Có nhiều nguyên nhân gây trật khớp như mất cân bằng phần mềm, lỏng chuôi, so le chi, chỏm quá to hoặc quá nhỏ so với ổ cối, mòn ổ cối, mòn lớp lót Polyethylene, cấn chuôi vào vỏ chỏm và nhất là do BN thực hiện các tư thế xấu. v.v. Chúng tôi không gặp biến chứng này vì trước mổ chúng tôi đã chú trọng cân bằng phần mềm trong khi mổ (khâu kỹ nhóm cơ xoay, cơ hình lê) và dặn dò bệnh nhân kỹ lưỡng những tư thế không nên làm.
– Cốt hóa quanh khớp háng: Một số tác giả gặp biến chứng cốt hóa quanh khớp háng. Chúng tôi không gặp trường hợp nào bị biến chứng này. Tìm hiểu thêm ở một số đồng nghiệp thường mổ TKHBPLC cũng chưa gặp. Vì vậy chúng tôi cho rằng thực tế biến chứng này rất ít xãy ra, nhất là với các bệnh nhân già.
– Tử vong: Phẫu thuật thay khớp háng nhìn chung là một phẫu thuật lớn. Trên bệnh nhân lớn tuổi nguy cơ tử vong trong khi nằm viện là có thể xảy ra. Tỷ lệ tử vong trong khi nằm viện phẫu thuật thay khớp háng là 1-20%[15]. Chúng tôi có 1 ca (1,7%) tử vong sau mổ 28 ngày. BN này đã nhập viện trong tình trạng sức khỏe kém, với TBMMN cũ. Sau khi điều trị nội khoa ổn định, chúng tôi mới tiến thay khớp cho BN. Ngày thứ 6 sau mổ, tri giác BN xấu dần và lú lẩn. CT Scan sọ não cho kết quả nhồi máu não. Sau 10 ngày tri giác có khá hơn (Glasgow = 8-9 điểm), bệnh nhân được xuất viện và tử vong 4 tuần sau phẫu thuật. Vì tổng trạng bệnh nhân trước mổ đã không tốt, nên khó biết được nguyên nhân tử vong của trường hợp này có liên quan trực tiếp đến cuộc mổ hay không. Theo chúng tôi có thể là không liên quan. Trong trường hợp không mổ, bệnh nhân vẫn có thể tử vong do các bệnh lý có sẵng và đau đớn tại ổ gãy.
5/ KẾT LUẬN
Nghiên cứu 59 bệnh nhân lớn tuổi gãy cổ xương đùi sớm đã được phẫu thuật TKHBPLC tại Bệnh Viện Đa Khoa Thống Nhất Đồng Nai và Bệnh viện Chợ Rẫy, từ 9/2009 đến 6/2012, với thời gian theo dõi trung bình là 15.31 tháng, tuổi trung bình 74,8, chúng tôi rút ra kết luận sau đây:
-Tỉ lệ tốt và rất tốt chiếm đa số (72,9%), trung bình chiếm 8,5% và kém chiếm 18,7%. Nhóm mổ sớm hơn cho kết quả tốt hơn. Kết quả trung bình và kém thường gặp ở nhóm có nhiều bệnh nội khoa kết hợp.Tỉ lệ hài lòng của người bệnh cao, chất lượng cuộc sống sau mổ được cải thiện nhiều.
-Tai biến và biến chứng ít gặp
+ Nhiễm khuẩn nông: 1/60 vết mổ chiếm 1,7%
+ So le chi (dưới 1cm) 10,7%
+ Mòn ổ cối: 1/59 khớp chiếm 1,7% bắt đầu xuất hiện sau 32 tháng
+ Tỉ lệ tử vong trong vòng tháng đầu sau mổ: 1,7% không liên quan đến cuộc mổ.
Cao Thỉ, Nguyễn Tường Quang
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ Frihagen F. et al: (2007) “hemiarthroplasty or internal fixation for intracapsular displaced femoral neck fracture: randomised controlled trial . “. 335, 1215 – 1254.
2/ Wazir N.N et al: (2006) “Early results of prosthetic hip replacement for femoral neck fracture in active elderly patients. “. 14 (1) (J Orthop), 43- 6.
3/ Tiffany A. radcliff et al: (2008) “Patient risk factors, operative care, and outcome among Older Community – Dwelling Male Veterans with hip fracture. “. JBJS (Am), 90: 34-42
4/ Lauren A.beaupre et al: (2005) “Best Practices for elderly hip fractures patients. “. (Lauren A.beaupre et al: Best Practices for elderly hip fractures patients. J Gen Intern Med 20), 1019-25.
5/ Shen J. et al: (2004) “Evaluation of the postoperative qualily of life in the elderly over 80 year old who underwent Hip hemiarthroplasty for Femoral neck fracture. “. JBJS (Am) 42: , 1409-11.
6/ Giliberty R.P (1985) “Lưỡng cực endoprosthesis minimizes protrusio acetabuli, loose stems”. (Orthop.141:17,1985)
7/ Lu-Yao GL et al: (1994) “Outcome after fracture of the femoral neck: A meta-analysis of one hundred and six published reports.”. JBJS (Am) 76, 12-5.
8/ Lennox IA et al: (1993) “Comparing the mortality and morbidity of cemented and uncemented hemiarthroplasty. “. 24 (Injury ), 4185-186.
9/ Ngô Bảo Khang (2006) “Ba mươi năm Thay khớp háng nhân tạo toàn phần thành công và các biến chứng”. Hội nghị VOA lần thứ VIII, Hồ Chí Minh, Trang 21-26.
10/ Nguyễn Tiến Bình, Trần Lê Đồng (2000) “Đánh giá kết quả sau thay khớp háng toàn phần và bán phần”. (Tổng Hội Y Học Việt Nam, tập VI, số 1, năm 2000, ), Trang 36-38.
11/ Đỗ Hữu Thắng (2004) “Đánh giá kết quả thay khớp háng toàn phần có xi măng: khoa chi dưới – Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình”. Hội nghị HOA lần thứ XIV, TP.HCM.
12/ Bose WJ et al (1995) “Osteolysis of the acetabulum associated with a lưỡng cực hemiarthroplasty. A late complication”. JBJS (Am) 77, pp 1733-35.
13/ Maini PS et al: (2006) “Results or cemented lưỡng cực hemiarthroplasty for fracture of the femoral neck – 10 year study. 154-56 (2006).”. Ijoononline.com. 40(3), 154-56.
14/ Luke J. Grauke et al: (2006) “Dissociation of a bipolar prosthesis after right hip hemiarthroplasty.”. JBJS (Br).
15/ Calandruccio R.A. (1999) “Campell’s operative orthopaedics”. volume 1 (THE C.V. Mosby company 11th edition), pp. 315-482.