1. Luyện tập và giảm cân.
Tập luyện giúp giảm cân và làm tăng sức căng của cơ. Cứ mỗi Pound (450gram) trọng lượng cơ thể, khi hoạt động sẽ tạo ra một lực tác động lên khớp gối tương đương 6 pound (gấp 6 lần). Do vậy những người nặng cân có nguy cơ thoái hóa khớp gối sớm hơn những người nhẹ cân.
Sức mạnh của cơ có vai trò quan trọng trong trận chiến chống lại bệnh thoái hóa khớp gối. Cơ quanh khớp gối có vai trò hấp thụ các lực tác động lên khớp khi gối hoạt động hằng ngày cũng như lúc chơi thể thao. Cơ càng khỏe thì khả năng hấp thu lực tác động lên khớp gối càng tốt, càng giảm được triệu chứng của thoái hóa khớp gối trên lâm sàng. Vì vậy tập luyện nhằm mục đích làm tăng sức căng, độ khỏe của các cơ như cơ tứ đầu, cơ Hamstring (cơ thon và bán gân), cơ tam đầu cẳng chân có vai trò quan trọng trong liệu trình điều trị. Ngoài ra các cơ này còn có vai trò quyết định đến động tác gấp và duỗi khớp gối. Các bài tập có tác dụng tăng sức căng, khỏe cho cơ vùng đùi, cẳng chân nhưng không làm tăng tải trọng cho khớp như đi xe đạp, tập bơi, tập ngồi xổm giữ trọng lượng (tư thế tấn), gấp duỗi gối có sức cản…
2. Đeo nẹp chỉnh hình (Brace).
Nẹp gối thường được sử dụng trong trường hợp thoái hóa gối một khoang (thường gặp khoang trong), dẫn đến chân vẹo trong hoặc có xu thế vẹo trong (nếu thoái hóa khoang trong), hoặc chân vẹo ngoài hoặc có xu thế vẹo ngoài (nếu thoái hóa khoang ngoài). Khi đeo nẹp, lực tỳ lên gối, đặc biệt trên khoang thoái hóa sẽ được hạn chế, nhờ đó bệnh nhân sẽ giảm được triệu chứng đau, cải thiện chức năng gối, điều chỉnh được dáng đi.
Được phát triển từ những năm 1990s, từ đó nẹp gối không chịu tải (unloading braces) được sử dụng một cách phổ biến ở bệnh nhân thoái hóa khớp gối. Với thiết kế nẹp bản lề, cứng, 3 điểm tỳ khi mang nẹp bệnh nhân thấy triệu chứng đau gối được giảm đi rõ rệt, tăng biên độ vận động của gối.
Barnes và cộng sự nghiên cứu trên 30 bệnh nhân thoái hoái gối khoang trong, được đeo nẹp không chịu tải trong thời gian ít nhất 6 tháng, thấy rằng sau 8 tuần triệu chứng đau gối được giảm đi rõ rệt, liều thuốc giảm đau được giảm xuống so với trước, đồng thời tầm vận động và mức độ vận động khớp gối được tăng lên. Khi theo dõi dài hơn (trung bình 2,7 năm) 41% bệnh nhân tiếp tục đeo nẹp (vì thấy hiệu quả), 35% bỏ nẹp (vì nhiều lý do) và 24% phải tiến hành phẫu thuật thay khớp
3. Vật lý trị liệu.
Vật lý trị liệu cũng góp phần giảm đau, chữa tư thế xấu, duy trì dinh dưỡng cơ ở cạnh khớp, kết hợp làm tăng sức mạnh của cơ.
Các phương pháp nhiệt trị liệu có tác dụng giảm đau chống co cứng cơ, giãn mạch, tăng cường chuyển hóa dinh dưỡng như: tia hồng ngoại, chườm ngải cứu, đắp Paraphin, tắm ngâm suối bùn nóng …
Các phương pháp điện trị liệu như sóng ngắn có tác dụng tạo nhiệt nóng ở trong sâu, tăng cường chuyển hóa, chống phù nề, chống viêm giảm đau. Dòng xung điện có tác dụng kích thích thần kinh cơ, giảm đau, tăng cường chuyển hóa. Dòng Gavanic và Faradic làm tăng cường quá trình khử cực và dẫn truyền thần kinh đưa thuốc giảm đau vào vùng tổn thương.
Lasre làm mềm, giảm đau, chống viêm, tái tạo tổ chức.
Siêu âm làm mềm tổ chức tổn thương xơ sẹo trong sâu, chống viêm, giảm đau, tăng cường chuyển hóa, tăng tái tạo tổ chức.
Ngoài ra, thay đổi nghề nghiệp của bệnh nhân nếu có thể, như lựa chọn nghề ít đi lại, hạn chế đứng…để thích nghi với tình trạng bệnh.
Thạc sĩ Dương Đình Toàn