Tóm tắt
Đối tượng, phương pháp nghiên cứu: Chúng tôi tiến hành đánh giá trên 200 bệnh nhân được phẫu thuật nội soi khớp gối, trong đó có 100 bệnh nhân được chẩn đoán tổn thương sụn chêm, 100 bệnh nhân không tổn thương sụn chêm được điều trị tại BVTWQĐ 108 từ 11/2012 đến tháng 5/2013. Chúng tôi đánh giá độ nhạy, độ đặc hiệu và độ chính xác của các nghiệm pháp lâm sàng, cộng hưởng từ so sánh với kết quả quan sát được qua nội soi, kết quả qua nội soi được coi là tiêu chuẩn vàng để đánh giá độ nhạy và độ đặc hiệu hai phương pháp trên
Kết quả: Độ nhạy, độ đặc hiệu và độ chính xác của MRI là 90%, 93% và 91.5%, cao hơn kết quả của các nghiệm pháp lâm sàng với độ nhạy, độ đặc hiệu và độ chính xác là 51%-71%, 65%-85% và 65,5%-82% (p<0,05).
Kết luận: Như vậy, để chẩn đoán chính xác rách sụn chêm, cần thiết phải chụp cộng hưởng từ khớp gối, tuy nhiên khi chỉ định phẫu thuật không nên chỉ dựa vào kết quả cộng hưởng từ, mà phải kết hợp với thăm khám lâm sàng.
Từ khóa: Cộng hưởng từ, Khám lâm sàng, sụn chêm, nội soi khớp gối.
The sensitivity, specificity values of the clinical examinations and MRI in the diagnosis of meniscal tears.
Abstract
Materials and menthods: We evaluated 200 patients, who were treated with knee arthroscopy, for a 6-month period from November 2012 to May 2013 at the Joint Surgery Department in the Orthopedic and Trauma Institute, the 108 Central Military Hospital. We divided them into 2 groups, 100 patients with meniscal tears in the 1st group and 100 patients without meniscal tears in the 2nd group. The sensitivity, specificity and accuracy values were established, comparing the clinical results and the results of MRI with the intra-operative arthroscopic findings as a “gold standard”
Results: The sensitivity, specificity and accuracy values of MRI are 90%, 93% and 91,5%, they are highger than of clinical examination results with 51%-71%, 65%-85% and 65,5%-82% (p<0,05).
Conclusions: These resuls indicated that an MRI is necessary to complete an exact diagnosis in meniscal tears, but surgery should not only folow an MRI. We should also follow a clinical examination.
Key words: meniscus tear, clinical examinations, MRI, Arthrocopic knee joint surgery.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Tổn thương sụn chêm khớp gối là một bệnh lý hay gặp, nguyên nhân do chấn thương (tai nạn thể thao, tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông…) và do thoái hóa khớp. Việc chẩn đoán tổn thương sụn chêm qua lâm sàng gặp rất nhiều khó khăn, do triệu chứng nghèo nàn, ít có dấu hiệu lâm sàng đặc trưng, nhất là trong giai đoạn tổn thương cấp và bán cấp, ngoài ra mức độ chính xác của chẩn đoán lâm sàng còn rất phụ thuộc vào kinh nghiệm của các phẫu thuật viên. Khi cộng hưởng từ ra đời, nhờ ưu thế trong khảo sát các bệnh lý phần mềm, là một kỹ thuật không xâm nhập, cộng hưởng từ được coi là một phương pháp có giá trị chẩn đoán tổn thương sụn chêm với độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao, và được áp dụng phổ biến tại các cơ sở y tế. Phẫu thuật nội soi được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán có hay không có tổn thương sụn chêm khớp gối, tuy nhiên đây là biện pháp xâm nhập, tốn kém, cho nên hiện nay hiếm khi nội soi được sử dụng như một phương pháp chẩn đoán, mà nội soi khớp gối được sử dụng chủ yếu để điều trị các tổn thương trong khớp, chẩn đoán các tổn thương trong khớp, trong đó có tổn thương sụn chêm chỉ là một “thì” trong quá trình nội soi điều trị tổn thương.
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khoa Phẫu thuật Khớp hàng năm đã tiến hành phẫu thuật nội soi khớp gối cho hàng ngàn bệnh nhân. Trên cơ sở dữ liệu bệnh nhân hiện có, chúng tôi nghiên cứu đề tài nhằm đánh giá độ nhạy và độ đặc hiệu của các nghiệm pháp lâm sàng và cộng hưởng từ trong chẩn đoán tổn thương sụn chêm so sánh với hình ảnh trên nội soi.
ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Gồm 200 bệnh nhân, 46 nữ và 154 nam, được phẫu thuật nội soi khớp gối điều trị các bệnh lý tổn thương dây chằng chéo, tổn thương sụn chêm, thoái hóa khớp gối, nếp hoạt dịch cánh bénh chè, lấy chuội khớp… Trong đó, lựa chọn 100 bệnh nhân với 100 khớp gối được chẩn đoán trên nội soi bị rách sụn chêm đơn thuần hoặc kết hợp với các hình thái khác nhau, 100 bệnh nhân còn lại được chẩn đoán không tổn thương sụn chêm. Tất cả các bệnh nhân trên đều được sử dụng các nghiệm pháp lâm sàng trong chẩn đoán tổn thương sụn chêm và chụp MRI khớp gối 3 Testla và 1.5 Testla.
Loại trừ những tổn thương sụn chêm do bệnh lý sụn chêm như: sụn chêm hình đĩa, nang sụn chêm, hoặc những phẫu thuật nội soi trên những khớp gối đã tiến hành nội soi trước đó.
Khám lâm sàng: Có một số triệu chứng lâm sàng và các test để chẩn đoán rách sụn chêm như sau.
Triệu chứng tăng kích thích đau tại khe khớp: đây là 1 trong những triệu chứng lâm sàng quan trọng nhất trong chẩn đoán tổn thương sụn chêm.
Boehler test: liên quan tới nghiệm pháp đánh giá độ vững của dây chằng bên trong và bên ngoài. Đau sụn chêm trong khi làm nghiệm pháp há khớp ngoài, đau sụn chêm ngoài khi làm nghiệm pháp há khớp trong.
McMurray’s test: Gấp duỗi gối trong khi xoay trong và xoay ngoài cẳng chân, test dương tính khi thấy tiếng kêu lục cục và đau
Nghiệm pháp Steimann: Bệnh nhân nằm ngửa, gối gấp. Người khám dùng ngón tay ép vào khe khớp trong hoặc ngoài. Gấp gối ở các biên độ khác nhau. Nếu đau khe khớp gối trong khi xoay ngoài cẳng chân nghĩ tới rách sụn chêm trong, nếu đau khe khớp gối ngoài khi cẳng chân xoay trong thì nghĩ tới tổn thương sụn chêm ngoài.
Nghiệm pháp Appley: Bệnh nhân nằm sấp, gối gấp 90 độ. Người khám nắm chặt bàn chân, ép dọc trục và xoay cẳng chân. Nghiệm pháp dương tính khi bệnh nhân thấy đau tại khe khớp gối.
Trên cộng hưởng từ: tất cả các bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ khớp gối, trong đó có 54 bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla, và 146 bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla. Kết quả tổn thương trên MRI được chia thành 4 độ, theo phân loại của Quinn và cộng sự (1991) [5]:
Độ I: Vùng tăng tín hiệu hình cầu ở trung tâm sụn chêm, không sát với bất cứ bề mặt nào.
Độ II: Đường tín hiệu nằm trong sụn chêm
Độ III: Đường tín hiệu lan ra bề mặt của mặt trên hoặc mặt dưới của sụn chêm.
Độ IV : Vỡ sụn chêm thành nhiều mảnh.
Đánh giá kết quả trên nội soi
Phân loại tổn thương sụn chêm trên nội soi chia làm các tổn thương theo phân loại của Dandy J. (1990) , bao gồm các loại tổn thương: Rách ngang, rách dọc, rách theo chiều dày, rách hình vạt, rách phức tạp, rách do thoái hóa.
Nội soi được coi là tiêu chuẩn vàng để làm cơ sở đánh giá độ đặc hiệu, độ nhạy và độ chính xác của các nghiệm pháp lâm sàng và MRI trong chẩn đoán tổn thương sụn chêm.
Để tính được độ nhạy, độ đặc hiệu và độ chính xác, chúng tôi dựa trên các chỉ số
+ Dương tính thật: bệnh nhân được chẩn đoán trên lâm sàng/ MRI là CÓ rách sụn chêm, kiểm tra trên nội soi kết quả CÓ rách sụn chêm.
+ Dương tính giả: bệnh nhân được chẩn đoán lâm sàng/MRI là CÓ tổn thương sụn chêm, nhưng trên nội soi KHÔNG phát hiện tổn thương.
+Âm tính thật: bệnh nhân được chẩn đoán trên lâm sàng/MRI là KHÔNG rách sụn chêm, trên nội soi KHÔNG phát hiện tổn thương.
+ Âm tính giả: bệnh nhân được chẩn đoán trên lâm sàng/MRI là KHÔNG rách sụn chêm, trên nội soi phát hiện CÓ tổn thương.
- Ø Độ chính xác = (tổng dương tính thật và âm tính thật/ tổng số khớp) x 100
- Ø Độ nhạy = (dương tính thật/ tổng dương tính thật và âm tính giả ) x 100.
Độ nhạy đánh giá khả năng phát hiện bệnh lý.
- Ø Độ đặc hiệu = (âm tính thật/ tổng âm tính thật và dương tính giả) x100.
Độ đặc hiệu đánh giá độ chính xác của một nghiệm pháp, độ đặc hiệu của 1 nghiệm pháp càng cao chứng tỏ càng ít trường hợp bị dương tính giả.
KẾT QUẢ
Về đối tượng nghiên cứu
Gồm 200 bệnh nhân. Chia làm hai nhóm, nhóm 1 bao gồm những bệnh nhân có tổn thương sụn chêm và nhóm 2 bao gồm những bệnh nhân không tổn thương sụn chêm.
Nhóm 1 có 100 bệnh nhân, với 100 khớp gối. Độ tuổi trung bình 32,4 từ 20-52 tuổi. Trong đó có 92 bệnh nhân rách sụn chêm do cơ chế chấn thương, 8 bệnh nhân rách sụn chêm do thoái hóa khớp. Trong 92 bệnh nhân rách sụn chêm do cơ chế chấn thương, có 82 khớp gối có rách sụn chêm kết hợp với tổn thương dây chằng chéo trước và hoặc dây chằng chéo sau. Chỉ có 10 trường hợp rách sụn chêm đơn thuần.
Nhóm 2, có 100 bệnh nhân với 100 khớp gối. Độ tuổi trung bình 34,6 (19-59 tuổi) Trong đó có 74 bệnh nhân được phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước và/hoặc dây chằng chéo sau, 26 bệnh nhân phẫu thuật cắt lọc thoái hóa khớp gối, lấy chuột khớp, cắt bao hoạt dịch, nếp hoạt dịch cánh bánh chè…
Kết quả đánh giá tổn thương trên lâm sàng và MRI.
*Nhóm 1 (n=100)
Bảng 1. Kết quả kiểm tra trên nội soi (phân loại tổn thương theo Dandy J. )
Hình thái tổn thương |
Sụn chêm trong |
Sụn chêm ngoài |
Tổng |
||||||
ST |
SS |
T |
TB |
ST |
SS |
T |
TB |
|
|
Rách ngang |
0 |
2 |
2 |
0 |
0 |
2 |
3 |
0 |
9 |
Rách dọc |
0 |
20 |
8 |
6 |
1 |
12 |
4 |
4 |
55 |
Rách hình vạt |
0 |
5 |
4 |
0 |
0 |
3 |
3 |
0 |
15 |
Rách chiều dày |
0 |
2 |
0 |
0 |
0 |
3 |
0 |
0 |
5 |
Rách phức tạp |
1 |
1 |
1 |
2 |
1 |
1 |
1 |
0 |
8 |
Rách thoái hóa |
0 |
1 |
1 |
2 |
0 |
1 |
1 |
2 |
8 |
Tổng |
1 |
31 |
16 |
10 |
2 |
22 |
12 |
6 |
100 |
58 |
42 |
(ST: sừng trước, SS: sừng sau, T: thân, TB: toàn bộ)
Trong 100 trường hợp được chẩn đoán rách sụn chêm trên nội soi, có 42 trường hợp rách sụn chêm ngoài, 58 trường hợp rách sụn chêm trong. Vị trí chủ yếu ở sừng sau, với 53 trường hợp, chỉ có 3 trường hợp vị trí rách sụn chêm ở sừng trước. Đa số hình thái tổn thương rách dọc theo thân sụn chêm, với 55 trường hợp, trong 55 trường hợp này, có 10 kiểu rách quai xách (rách dọc theo chiều dài toàn bộ sụn chêm). Có 8 trường hợp rạch phức tạp, 8 trường hợp rách theo kiểu thoái hóa khớp.
Bảng 2. Kết quả trên lâm sàng.
Lâm sàng |
Dương tính thật |
Âm tính giả |
Độ nhạy(%) |
Đau |
76 |
24 |
76% |
Bohler test (+) |
55 |
45 |
53% |
Mc Murray test (+) |
57 |
43 |
57% |
Appley test (+) |
61 |
39 |
61% |
Steimann test (+) |
51 |
49 |
51% |
Quan sát bảng 2 chúng tôi thấy, đa số bệnh nhân tổn thương sụn chêm khớp có triệu chứng đau khe khớp, trong đó chỉ có 8 bệnh nhân có triệu chứng kẹt khớp hoặc hạn chế duỗi khớp, tuy nhiên có 24 bệnh nhân không có triệu chứng đau khớp tại thời điểm khám bệnh. Độ nhạy của các nghiệm pháp lâm sàng trong khoảng 51%-61%.
Bảng 3. Kết quả trên cộng hưởng từ, theo phân loại của Quinn và cộng sự (1991).
Sừng trước | Sừng sau | Thân | Toàn bộ | Tổng | ||
Sụn chêm trong |
Độ III |
0 |
26 |
12 |
6 |
44 |
Độ IV |
1 |
2 |
2 |
4 |
9 |
|
Sụn chêm ngoài |
Độ III |
1 |
17 |
8 |
4 |
30 |
Độ IV |
1 |
2 |
2 |
2 |
7 |
Dựa trên hình ảnh tổn thương MRI, chúng tôi chỉ lựa chọn những tổn thương độ III, IV, như vậy trong 100 trường hợp khảo sát, có 90 trường hợp được chẩn đoán rách sụn chêm, trong đó có 53 sụn chêm trong và 37 sụn chêm ngoài. Có 10 trường hợp không phát hiện tổn thương trên MRI. Trong 10 trường hợp này, sau khi đối chiếu với kết quả nội soi, có 6 trường hợp ở sừng sau sụn chêm, 1 trường hợp ở sừng trước và 3 trường hợp ở thân. Như vậy trên MRI có 90 trường hợp dương tính thật và 10 trường hợp âm tính giả, với độ nhạy là 90%.
*Nhóm 2 (n=100).
Bảng 4. Kết quả trên lâm sàng
Lâm sàng |
Có |
Không |
Độ đặc hiệu |
Độ chính xác |
Đau* |
35 |
65 |
65% |
70,5% |
Bohler test (+) |
15 |
85 |
85% |
70% |
Mc Murray test (+) |
13 |
87 |
87% |
82% |
Appley test (+) |
25 |
75 |
75% |
78% |
Steimann test (+) |
18 |
82 |
82% |
65,5% |
Quan sát bảng chúng tôi thấy, trong nhóm 2, mặc dù trên nội soi xác định không có tổn thương sụn chêm, nhưng có 35 trường hợp có triệu chứng đau tại khe khớp, các trường hợp test (+) dao động từ 15% đến 25%. Như vậy độ đặc hiệu của các nghiệm pháp lâm sàng dao động từ 65% đến 87%. Độ chính xác dao động từ 65,5%-82%.
Bảng 5. Kết quả trên cộng hưởng từ, theo phân loại của Quinn và cộng sự (1991).
|
Sừng trước |
Sừng sau |
Thân |
Toàn bộ |
Tổng |
|
Sụn chêm trong |
Độ III |
0 |
1 |
0 |
0 |
1 |
Độ IV |
0 |
0 |
0 |
0 |
0 |
|
Sụn chêm ngoài |
Độ III |
1 |
5 |
0 |
0 |
6 |
Độ IV |
0 |
0 |
0 |
0 |
0 |
Chúng tôi không không xem xét tổn thương độ I, II (theo phân loại trên MRI), vì những tổn thương này không quan sát được trên nội soi. Trong 100 trường hợp không quan sát thấy tổn thương trên nội soi, có 7 trường hợp rách sụn chêm độ III trên MRI, trong đó chủ yếu tại vị trí sừng sau sụn chêm ngoài với 5/7 trường hợp. Như vậy trên MRI, độ đặc hiệu là 93%, độ chính xác là 91,5%.
BÀN LUẬN
Vê đối tượng nghiên cứu
Trong nghiên cứu của chúng tôi, với 100 trường hợp có tôn thương sụn chêm, có 58 sụn chêm trong. 42 sụn chêm ngoài. Với đa số trường hợp tổn thương sừng sau, với kiểu rách dọc là chủ yếu.
Theo các nghiên cứu trước đó, như nghiên cứu của Nguyễn Quôc Dũng, tỷ lệ tổn thương sụn chêm trong và ngoài là tương đương, nhưng đa số tổn thương ở sừng sau, chỉ rất ít tổn thương sừng trước (1) , Schurz M. và cộng sự nghiên cứu 400 bệnh nhân, có đa số trường hợp tổn thương sụn chêm trong, và ở sừng sau. Các nghiên cứu khác của. Madhusudhan TR. [2], Michael G.F, [3] Numphung Numkarunarunrote [4] cũng cho kết luận tương tự. … Giải thích tình trạng sụn chêm trong thường rách nhiều hơn sụn chêm ngoài, Micheal G.F [3] cho rằng có lẽ do sụn chêm trong ít di động hơn và chịu nhiều lực đè nén hơn sụn chêm ngoài. Vị trí rách chủ yếu ở sừng sau và thân, chỉ khoảng 2% rách sừng trước, cũng do sừng trước ít chịu lực hơn thân và sừng sau.
Về độ nhạy và độ đặc hiệu của các nghiệm pháp pháp lâm sàng và MRI
Với các nghiệm pháp lâm sàng.
Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, độ nhạy của các nghiệm pháp lâm sàng khá thấp, dao động từ 51% đến 76%. Độ nhạy của 1 nghiệm pháp nói lên khả năng phát hiện bệnh lý của nghiệm pháp đó. Với tổn thương sụn chêm, do các biểu hiện lâm sàng đặc trưng không nhiều, đăc biệt khi kết hợp với tổn thương dây chằng chéo, hoặc khi bệnh nhân đến muộn các triệu chứng tổn thương của sụn chêm không có hoặc bị che lấp.
Theo nghiên cứu của Nguyễn Quốc Dũng [1], độ nhạy của các nghiệm pháp lâm sàng dao động trong khoảng 44%-68,2%. Schurz M.[6] và cộng sự kết luận rằng, thăm khám lâm sàng có giá trị dương tính thật thấp hơn và âm tính giả cao hơn nhiều so với MRI. Độ chính xác trung bình của các nghiệm pháp lâm sàng là 55% (với sụn chêm trong) và 64% (với sụn chêm ngoài), trong khi đó tỷ lệ này trên MRI là 83% cho cả hai sụn chêm. Qua nghiên cứu các tác giả cũng thấy rằng tỷ lệ bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng nhưng phát hiện trên MRI dao động trong khoảng 5,6%-36%. Do vậy, với những chấn thương khớp gối, dù không có các triệu chứng lâm sàng của tổn thương sụn chêm, cũng nên cho bệnh nhân chụp MRI khớp gối. Vì thực tế phẫu thuật viên có thể tiến hành phẫu thuật dù bệnh nhân chỉ bị chấn thương nhẹ.
Trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ dương tính giả dao động trong khoảng 15-35%, các trường hợp dương tính giả do các triệu chứng đau trên lâm sàng của tổn thương dây chằng chéo, chuột khớp, thoái hóa khớp… dễ lẫn với các triệu chứng của tổn thương sụn chêm.
Về độ nhạy và độ đặc hiệu của MRI
Trên cộng hưởng từ, độ nhạy trong nhóm nghiên cứu là 90% và độ đặc hiệu là 93%.. Trong 10 trường hợp âm tính giả, kiểm tra lại trên nội soi chúng tôi thấy trên MRI đã bỏ sót 6 trường hợp tổn thương ở sừng sau (03 tại sụn chêm trong và 03 tại sụn chêm ngoài), 3 trường hợp tổn thương tại thân, và 1 trường hợp tổn thương tại sừng trước. Trong các tổn thương này, có 7 trường hợp rách dọc, 2 trường hợp rách ngang, 1 trường hợp rách theo hình vạt. Các đường rách này ngắn và/hoặc hưa hết chiều dày sụn chêm. Khi xem lại các phim MRI, chúng tôi thấy có 6 trường hợp dường như có vùng tính hiệu bất thường lan ra bề mặt sụn chêm, nhưng chỉ xuất hiện trên 1 lát cắt, còn 4 trường hợp không xuất hiện trên MRI. Theo tác giả Michael G.F [3] định nghĩa, trên MRI chẩn đoán rách sụn chêm khi có vùng tín hiệu bất thường trong sụn chêm, lan ra bề mặt, có trên ít nhất một lát cắt , hoặc có bất thường về hinh thái học của sụn chêm. Nếu tín hiệu bất thường trên 1 lát cắt, độ nhạy chỉ là 56% với sụn chêm trong, và 30% với sụn chêm ngoài. Nếu tổn thương có ở từ 2 lát cắt trở lên thì độ nhạy tăng lên từ 56% tới 94% đối với sụn chêm trong và tăng lên từ 30% tới 90% đối với sụn chêm ngoài. Theo nghiên cứu của Thomas Magee, David Williams [7], MRI chẩn đoán tổn thương sụn chêm có độ đặc hiệu là 97% và độ nhạy 96%. Tác giả cho rằng, để chẩn đoán rách sụn chêm, đường tăng tín hiệu phải tới bề mặt sụn chêm trên hai lát cắt. Trong nghiên của tác giả có 6 trường hợp âm tính trên MRI, tín hiệu dường như lan tới bề mặt sụn chêm, nhưng chỉ xuất hiện trên 1 bình diện, kiểm tra nội soi thấy 2 trường hợp rách dạng xiên, 4 trường hợp rách ngang.
Trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi, có 7 trường hợp dương tính giả. Khi xem xét lại các trường hợp này, chúng tôi thấy rằng có 5 trường hợp trên MRI chẩn đoán là rách sừng sau sụn chêm ngoài, nhưng thực tế đây là vùng giao giữa túi hoạt dịch của gân khoeo, dây chằng Humphry và sụn chêm. Còn tại sừng trước sụn chêm ngoài, có thể do dây chằng ngang bám vào sụn chêm tạo hình ảnh rách sụn chêm trên MRI. Với trường hợp rách sừng sau sụn chêm trong trên nội soi, trên thực tế có thể đây là trường hợp âm tính giả của nội soi, bởi vì với sừng sau sụn chêm trong đôi khi ta không quan sát được trên nội soi. Tham khảo các nghiên cứu khác, chúng tôi thấy rằng độ chính xác của MRI khoảng 85% (dao động từ 64%-94%), kết quả phụ thuộc nhiều vào các lớp cắt, trong khi đó độ chính xác của thăm khám lâm sàng khoảng 70% (từ 35%-87%), phụ thuộc rất nhiều vào trình độ bác sỹ thăm khám. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi nằm trong giới hạn trên.
Như vậy, mặc dù MRI ngày càng trở nên quan trọng trong chẩn đoán tổn thương sụn chêm, nhưng việc thăm khám lâm sàng cẩn thận, kết hợp với khai thác chính xác bệnh sử vẫn là thiết yếu và là bước chẩn đoán đầu tiên. Dựa vào thăm khám lâm sàng phẫu thuật viên có thể chỉ định cho bệnh nhân chụp MRI. Khi có kết quả MRI, kết hợp với thăm khám lâm sàng giúp chúng ta đưa ra chỉ định điều trị thích hợp.
KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu 200 bệnh nhân, với 200 khớp gối được phẫu thuật nội soi, trong đó có 100 khớp tổn thương rách sụn chêm đơn thuần hoặc kết hợp, 100 khớp không tổn thương sụn chêm chúng tôi thấy rằng:
Với 100 trường hợp rách sụn chêm, có 42 trường hợp rách sụn chêm ngoài, 58 trường hợp rách sụn chêm trong. Vị trí chủ yếu ở sừng sau, với 53 trường hợp, chỉ có 3 trường hợp vị trí rách sụn chêm ở sừng trước. Đa số hình thái tổn thương rách dọc theo thân sụn chêm, với 55 trường hợp. Có 8 trường hợp rạch phức tạp, 8 trường hợp rách theo kiểu thoái hóa khớp.
Kết quả: độ nhạy, độ đặc hiệu và độ chính xác của MRI là 90%, 93% và 91.5%, cao hơn kết quả của các nghiệm pháp lâm sàng với độ nhạy, độ đặc hiệu và độ chính xác là 51%-71%, 65%-85% và 65,5%-82% (p<0,05).
Vì vậy chúng tôi kiến nghị nên chỉ định chụp MRI cho tất cả những trường hợp chấn thương khớp gối, nghi ngờ có tổn thương sụn chêm, dù chỉ là chấn thương nhẹ. Tuy nhiên, trước hết cần thăm khám lâm sàng cẩn thận, kết hợp với khai thác chính xác bệnh sử để tăng độ chính xác của các nghiệm pháp lâm sàng. Khi chỉ định phẫu thuật cần kết hợp giữa chẩn đoán lâm sàng và cộng hưởng từ.
Phùng Văn Tuấn, Lê Hồng Hải, Nguyễn Quốc Dũng, Lê Hanh, Mai Đắc Việt, Mai Đức Thuận, Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Đức Hiếu
Tài liệu tham kháo
1. Nguyễn Quốc Dũng. Nghiên cứu hình thái tổn thương sụn chêm khớp gối và đánh giá kết quả điều trị bằng phẫu thuật nội soi. Luận án tiến sỹ y học. Học viện Quân y. 2012.
2. Madhusudhan TR. et al. Clinical examination, MRI and arthroscopy in meniscal and ligamentous knee Injuries – a prospective study. Journal of Orthopaedic and Research. 2008: 3-19.
3. Michael G.F. MR imaging of the meniscus: Review, current trends, and clinical implications. MRI clinics of North America. 2007;15:1.
4. Numphung Numkarunarunrote et al. MRI on evaluation of Meniscus tear. Asian Biomedicine Vol. 4 No. 2, April 2010; 215-222.
5.Quinn et al. Meniscal tear dignosed with MRI versus arthroscopiy: how reliable as standard is arthroscopy? Radiology 1991; 181-183.
6. Schurz M. et al. The value of clinical examination and mri versus intraoperative findings in the diagnosis of meniscal tear. Scripta medica (BRNO) -81 (1).2008; 3-12,
7.Thomas Magee, David Williams. 3.0-T MRI of Menical tears. AJR: 187, August 2006.