Bong chỗ bám dây chằng chéo trước là một hình thái tổn thương thường gặp trong chấn thương khớp gối, xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng tuổi thanh thiếu niên gặp nhiều hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn xe máy, xe đạp hoặc chấn thương thể thao. Tổn thương này tạo bởi một lực tác động mạnh vào vùng gối làm căng đột ngột và quá mức dây chằng chéo trước, dẫn đến bong diện bám của dây chằng chéo trước khỏi diện mâm chầy (kiểu bật gốc). Diện bám này bao gồm mảnh sụn kèm xương dưới sụn-gọi chung là mảnh bám (Hình 1).
1. Phân loại.
Phân loại theo Mayer và Mc Keevers (1959) dựa vào mức độ di lệch của mảnh bám dây chằng chéo trước, bao gồm (Hình: 2 ):
• Độ I: Không di lệch
• Độ II: Di lệch một phần mảnh bám phía trước, trên phim Xquang chụp nghiêng giống hình mỏ chim
• Độ III: Mảnh bám di lệch hoàn toàn khỏi diện bám, nhưng mảnh bám còn nguyên, trong đó:
‒ IIIa: Chỉ bong đúng phần bám của dây chằng chéo trước.
‒ IIIb: Bong cả một phần của gai chầy phía sau.
• Zariczynj thêm độ IV: Bong hoàn toàn, mảnh bám vỡ làm nhiều mảnh nhỏ.
2. Biểu hiện lâm sàng.
Sau một chấn thương, gối sưng đau, hạn chế vận động. Khi tình trạng sưng đau hết dần, cảm giác lỏng gối xuất hiện, bệnh nhân bước đi có thể tập tễnh, cảm giác ngượng ngịu ở gối khi chạy, đi xuống dốc hoặc bước xuống cầu thang. Có trường không duỗi hết gối. Nghiệm pháp Ngăn kéo trước có nhưng không rõ ràng như đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước.
3. Dấu hiệu trên phim Xquang.
Trên phim chụp Xquang qui ước, hai tư thế thẳng và nghiêng nhìn rõ điểm bong của dây chằng chéo trước. Để chẩn đoán mức độ dựa vào phim chụp nghiêng. Lưu ý, mảnh bám của dây chằng chéo trước nhìn thấy trên phim bao giờ cũng nhỏ hơn mảnh bám thực vì phần sụn của mảnh bám không nhìn thấy trên phim Xquang (Hình 3).
Chụp CT-scanner xác định được mảnh bám gãy làm nhiều mảnh (độ IV)
Chụp cộng hưởng từ xác định được các tổn thương khác kèm theo nếu có như rách sụn chêm, bong sụn khớp, tổn thương dây chằng chéo sau…
4. Điều trị
Điều trị bong chỗ bám dây chằng chéo trước tùy thuộc vào mức độ bong, tình trạng phần mền chèn vào giữa diện bám và các tổn thương phối hợp của khớp gối.
Mục đích của điều trị phải đạt được là:
‒ Đưa mảnh bám về đúng vị trí giải phẫu, đảm bảo không có phần mềm chèn giữa diện bám, cản trở quá trình liền xương.
‒ Cố định mảnh bám đủ chắc để bệnh nhân có thể tập vận động sớm.
‒ Không để cản trở duỗi gối tối đa do chạm mảnh bám.
Điều trị cụ thể:
• Bong độ I: Bột ống đùi cẳng chân duỗi gối trong thời gian 4-6 tuần.
• Bong độ II: Có hai trường phái, bó bột duỗi gối 4-6 tuần như độ I, và trường phái nội soi khâu lại chỗ bám.
• Độ III, IV: Có chỉ định phẫu thuật khâu lại chỗ bám dây chằng chéo trước.
Có nhiều phương pháp phẫu thuật:
Trước đây: mổ mở bắt vít hoặc găm kim. Nhược điểm của mổ mở: Phải mở khớp gối, tạo những tổn thương tại bao khớp và các thành phần quanh khớp, dễ nhiễm trùng, tập phục hồi chức năng khó khăn do đau vết mổ. Những trường hợp mảnh bám vỡ nhiều mảnh nhỏ, không thể bắt vít. Găm kim dễ bị trôi kim vào khớp trong quá trình tập luyện.
Ngày nay: nội soi khâu lại chỗ bám bằng chỉ thép hoặc chỉ không tiêu. Ưu điểm của phẫu thuật nội soi: không gây tổn thương phần mềm nhiều, hạn chế tối thiểu nguy cơ nhiễm trùng, thời gian phục hồi nhanh. Có thể áp dụng cho cả những mảnh bám vỡ phức tạp. Ngoài ra, qua nội soi khớp, xử lý luôn nhưng tổn thương khác nếu có như rách sụn chêm, tổn thương dây chằng chéo, tổn thương sụn khớp…
Kỹ thuật khâu lại chỗ bám dây chằng chéo trước được tóm tắt như sau:
5. Chế độ vận động sau mổ.
Sau mổ bó bột ống ( đùi-cẳng chân) trong 3 tuần, tập gồng cơ trong bột. Dùng hai nạng trợ đỡ khi đi lại, chân tỳ nhẹ.
Sau 3 tuần, thực hiện các bài tập khớp gối chủ động, tích cực, sớm lấy lại biên độ khớp, sức mạnh cho cơ.
Sau 3 tháng, bệnh nhân có thể chạy trên mặt phẳng, bước lên xuống cầu thang.
Sau 6 tháng, có thể chơi thể thao trở lại.
Thạc sĩ Dương Đình Toàn