Có nhiều nguyên nhân gây đau khớp háng, sau đây là một số nguyên nhân thường gặp:
- Thoái hóa khớp
- Viêm đa khớp dạng thấp
- Thoái hóa khớp sau chấn thương
- Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi (hoại tử vô mạch)
- Bệnh lý khớp háng ở trẻ em
1. Thoái hóa khớp háng
Thoái hóa khớp háng là bệnh phổ biến dẫn đến phải phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo. Thoái hóa khớp háng là hậu quả của quá trình mòn khớp, gặp nhiều ở người có tuổi. Bệnh thường xuất hiện ở một bên khớp tại một thời điểm. Khi bệnh tiến triển, lớp sụn khớp mất dần, khe khớp hẹp lại và xuất hiện nhiều gai xương. Biểu hiện trên lâm sàng là đau khớp háng, hạn chế biện độ vân động của háng (cứng khớp háng)
2. Viêm khớp dạng thấp
Không giống như thoái hóa khớp, bệnh viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến nhiều khớp tại một thời điểm. Biểu hiện trên lâm sàng là nhiều khớp sưng, đau và cứng khớp tại cùng một thời điểm. Bệnh tiến triển nặng dần làm cho khớp bị biến dạng.
3. Thoái hóa khớp sau chấn thương
Bề mặt khớp bị tổn thương do lực chấn thương
4. Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi (hoại tử vô mạch)
Do một nguyên nhân nào đó (trật khớp háng, gãy cổ xương đùi hoặc tự phát…) làm tổn thương mạch máu nuôi chỏm xương đùi, dẫn đến phần chỏm xương đùi không có máu nuôi gây nên hoại tử. Lâm sàng có dấu hiện đau và hạn chế vận động háng. Trên phim xquang, chỏm xương đùi biến dạng, khe khớp hẹp.
5. Bệnh lý khớp háng ở trẻ em
Một số trẻ em và trẻ sơ sinh có vấn đề về khớp hang, thậm chí mặc dù đã được điều trị đúng đắn, song khớp háng vẫn có thể tiến triển thành viêm, thoái hóa khớp khi trưởng thành. Quá trình thoái hóa khớp diễn ra do sự biến đổi bất thường của khớp, ảnh hưởng đến diện khớp. Các bệnh thường gặp ở trẻ em như loạn sản khớp, bệnh Perthes, bong sụn tiếp đầu trên xương đùi…
Triệu chứng lâm sàng (Các biểu hiện)
Các dấu hiện của khớp háng thường xuất hiện từ từ tăng dần. Ban đầu, dấu hiệu đau khớp có thể xuất hiện thoáng qua rồi biến mất. Đau khớp có thể chỉ xuất hiện khi bạn đi bộ trên một quảng đường dài, khi gấp háng hoặc khi leo cầu thang. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, đau có thể xuất hiện cả khi ngồi, nằm hoặc thậm chí khi ngủ. Cơn đau có thể kéo dài hơn, hoặc đau giai dẳng, thường xuyên khi bệnh đã ở giai đoạn nặng.
Thông thường, lúc đầu đau có thể xuất hiện ở háng hoặc vùng trên, sau mông. Đau có thể lan xuống mặt trước đùi, đến đầu gối. Cảm giác khớp háng cứng, chặt.
Người bệnh có cảm giác hơi khó khăn khi làm các động tác như cắt móng chân, đi tất, đi giầy hoặc khi mặc quần áo. Khi ngồi ghế, cảm thấy khó khăn khi đứng dậy, hoặc khó khăn khi bước lên hoặc xuống xe hơi, lên xuống cầu thang…Khi đi bộ, người bệnh cảm thấy khó bước trong vài bước đầu tiên, thậm chí đi tập tễnh hoặc phải dừng để nghỉ ngơi. Theo thời gian, người bệnh không thể duỗi thẳng gối, chân ngắn hơn chân lành
Chẩn đoán bệnh
Khi người bệnh có những dấu hiệu như đau, cứng khớp háng, khó khăn khi bước đi… thì nên đi khám bác sỹ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để bác sỹ tìm nguyên nhân gây đau khớp háng. Thông thường chỉ cần làm một số xét nghiệm cơ bản và chỉ cần chụp phim Xquang thường qui cũng đủ để chẩn đoán nguyên nhân
Điều trị không phẫu thuật
Có nhiều phương pháp điều trị không phẫu thuật:
- Thay đổi thói quen sinh hoạt
- Giảm cân, tập luyện
- Dùng các phương tiện trợ giúp khi đi lại
- Thuốc
1. Thay đổi thói quen sinh hoạt
Đầu tiên người bệnh cần hạn chế hoặc thay đổi những thói quen sinh hoạt hằng ngày mà có thể làm tổn thương tăng thêm cho khớp háng, như không đi bộ quảng đường dài, hạn chế leo trèo cầu thang, hạn chế hoặc dừng chơi các môn thể thao làm tăng sức nặng cho khớp như chơi tenis, cầu lông…
2. Giảm cân, tập luyện
Khi cân nặng của người bệnh giảm, sẽ giúp giảm lực tải tác động lên khớp háng, phần nào giúp người bệnh giảm đau và giảm mức độ tiến triển của bệnh.
Một chương trình tập luyện phục hồi chức năng thường xuyên sẽ giúp người bệnh giảm cân, duy trì biên độ vận động của khớp, tránh cứng khớp.
3. Các phương tiện trợ giúp
Một phương tiện trợ giúp hữu hiệu, như cây gậy, nên luôn ở trong tay người bệnh
4. Thuốc
Một số thuốc kháng viêm không steroid có tác dụng kháng viêm như aspirin, ibuprofen, naproxen…giúp người bệnh kiểm soát cơn đau. Những thuốc này có thể sử dụng liên tục trong một thời gian hoặc chỉ sử dụng khi đau, theo sự hướng dẫn của bác sỹ kê đơn. Một số tác dụng phụ của thuốc người bệnh cần lưu ý như nôn, buồn nôn, loét hoặc chảy máu dạ dày…Cần đến gặp bác sỹ khi có các dấu hiệu trên.
Một số thực phẩm chức năng có thể sử dụng bổ sung như glucosamine, chondrotin
Điều trị bằng phẫu thuật
Bằng các biện pháp điều trị bảo tồn như trên nếu tình trạng đau không cải thiện, ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe, chất lượng cuộc sống thì có chỉ định phẫu thuật.
Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, bán phần hoặc hàn cứng khớp là những phương pháp điều trị phẫu thuật phổ biến, được chỉ định dựa trên mức độ tổn thương, tuổi người bệnh…(đọc bài “Vài nét tìm hiểu về khớp háng nhân tạo”)
Trước phẫu thuật thay khớp người bệnh cần làm gì? (đọc bài “Người bệnh cần chuẩn bị những gì trước khi quyết định phẫu thuật thay khớp háng”)
Sau phẫu thuật thay khớp người bệnh cần tập luyện như thế nào ? (đọc bài “Chế độ tập luyện và một số điểm cần lưu ý đối với bệnh nhân sau mổ thay khớp háng”)
Các biến chứng có thể gặp sau mổ thay khớp háng
- Nhiễm trùng
- Tắc mạch do cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch)
- Lỏng khớp nhân tạo
- Trật khớp nhân tạo sau mổ
- Chân ngắn chân dài
1. Nhiễm trùng
Người bệnh sẽ được dùng kháng sinh trước và những ngày sau phẫu thuật nhằm ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập qua vết mổ. Nhiễm trùng có thể xuất hiện ở bề mặt da (nhiễm trùng nông), có thể xuất hiện ở sâu, ở xương, trong khớp (nhiễm trùng sâu). Nhiễm trùng có thể xẩy ra ngay sau mổ, hoặc xẩy ra sau nhiều năm do vi khuẩn xâm nhập qua đường máu, từ một ổ nhiễm khuẩn khác trên cơ thể. Vì vậy, người bệnh có mang khớp nhân tạo nên dùng kháng sinh trước khi làm răng, khi có phẫu thuật hoặc có vết thương phần mềm trên cơ thể.
Nhiều trường hợp nhiễm trùng có thể chỉ cần dùng kháng sinh. Có trường hợp nhiễm trùng sâu, cần phải tiến hành phẫu thuật để làm sạch ổ khớp, thậm chí lấy bỏ khớp nhân tạo. Tỷ lệ nhiễm trùng sau mổ thay khớp háng chiếm khoảng 1%, trong đó 60% là nhiễm trùng nông, 40% là nhiễm trùng sâu.
2. Tắc mạch do cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch)
Cục máu đông có thể hình thành từ tĩnh mạch sâu của chân hoặc xương chậu sau phẫu thuật. Các thuốc chống đông như aspirin, heparin trọng lượng phân tử thấp được dùng dự phòng sau mổ có thể ngăn ngừa được sự hình thành cục máu đông. Cục máu đông dễ hình thành trong 4 tuần đầu sau mổ
Các biểu hiện khi có cục máu đông: đau chân không giải thích được, kèm theo sưng nề và đỏ ở một hoặc hai chân. Chẩn đoán xác định bằng siêu âm Doppler mạch máu có thể thấy được cục máu đông và vị trí của chúng. Khi chẩn đoán có cục máu đông, cần phải điều trị bằng thuốc chống đông trong vài tuần.
Một tỷ lệ rất ít là cục máu đông di chuyển lên phổi, gây suy hô hấp đột ngột.
3. Lỏng khớp
Một khớp háng nhân tạo được sử dụng qua hàng chục năm năm, các bộ phận của khớp nhân tạo dần tách ra khỏi xương, gây nên tình trạng lỏng khớp. Hầu hết lỏng khớp là do nguyên nhân cơ học (sử dụng khớp hàng ngày qua thời gian), một số lỏng khớp do nguyên nhân sinh học (do tiêu xương). Khi lỏng khớp gây nên tình trạng đau khớp, một phẫu thuật thay lại khớp được tiến hành. Thời gian lỏng khớp phụ thuộc nhiều yếu tố, chủ yếu xuất hiện sau15-20 năm. có trường hợp xuất hiện sớm hơn.
Ngày nay cùng với những tiến bộ về đổi mới công nghệ và chất liệu trong sản xuất khớp nhân tạo, tuổi thọ của khớp càng ngày càng được nâng cao hơn.
4. Trật khớp
Trật khớp là tình trạng chỏm khớp trật ra khỏi ổ cối. Nguyên nhân chủ yếu do sai tư thế như bắt chéo chân, ngồi xổm, với tay quá xa (đi tất, giầy)…Trật khớp dễ xẩy ra trong 8 tuần đầu, giai đoạn phần mền quanh khớp đang phục hồi. Bác sỹ phẫu thuật sẽ dặn dò người bệnh những động tác tránh làm sau mổ để phòng trật khớp. Nhìn chung, tỷ lệ trật khớp tổng thể là thấp. Khi trật khớp, chỉ cần nắn lại là khớp sẽ về.
5. Chân ngắn chân dài
Trong một số trường hợp sau mổ thay khớp háng, người bệnh cảm thấy chân ngắn chân dài. Nếu trước mổ, khớp háng bị viêm làm cho chân ngắn lại, thì sau mổ chiều dài chân thay đổi, thường là bằng chân bên không mổ hoặc là dài hơn (nếu chân chưa mổ cũng bị thoái hóa khớp háng). Trong một số trường hợp để cân bằng phần mềm, hoặc làm vững khớp, bác sỹ phẫu thuật cố tình làm tăng chiều dài của chi.
Nếu sau mổ thấy chân dài chân ngắn, người bệnh không nên lo lắng, chỉ cần đi một chiếc dày độn đế là có thể thoải mái, trở lại như người như bình thường.
Kết luận
Thay khớp háng là một phẫu thuật rất thành công, giúp người bệnh hết đau, cải thiện khả năng vận động của khớp, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiểu biết đầy đủ lợi ích của phẫu thuật cũng như các biến chứng có thể gặp để người bệnh cân nhắc trước khi quyết định phẫu thuật và có ý thức phòng tránh các biến chứng sau khi đã phẫu thuật.
Tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hà Nội, hàng ngày có hàng chục bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp háng, nhờ công tác chuẩn bị, đánh giá tình trạng sức khỏe bệnh nhân trước mổ, sử dụng các biện pháp dự phòng sau mổ, cũng như sự hướng dẫn, dặn dò chi tiết mọi vận động sau mổ, các biến chứng nêu trên gần như rất hiếm gặp.
Ths.Bs Dương Đình Toàn