Trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, đặc biệt là các phẫu thuật thay thế khớp nhân tạo. Việc phục hồi tối đa các đặc tính cơ học của khớp là mong muốn của các phẫu thuật viên vì nó giúp cho bệnh nhân cải thiện tốt nhất các triệu chứng cũng như khả năng vận động đồng thời giúp kéo dài tuổi thọ khớp nhân tạo. Sử dụng robot trong phẫu thuật đã giúp đạt được độ chính xác rất cao. Tuy nhiên, liệu robot có hoàn toàn thay thế được con người? Có cần phải đào tạo những phẫu thuật viên rất chuyên sâu nữa không hay chỉ cần phẫu thuật viên đào tạo cơ bản cộng với robot là có thể giải quyết được công việc?
Sự chính xác gần như tuyệt đối
Trong các phẫu thuật thay thế khớp thì phẫu thuật thay thế khớp gối cần đòi hỏi sự chính xác cao nhất vì biên độ vận động khớp lớn, trục truyền lực qua khớp không phải là trục giải phẫu thông thường, cấu trúc khớp đòi hỏi sự chính xác theo 3 chiều không gian. Hơn nữa, cấu trúc giải phẫu không gian, các yếu tố trục, góc xoay của khớp không hoàn toàn giống nhau ở mỗi con người. Do đó, phẫu thuật đòi hỏi độ chính xác cao hơn so với các khớp khác. Mặc dù phẫu thuật thay khớp truyền thống với việc cân chỉnh, đánh giá dựa trên kinh nghiệm và kiến thức của phẫu thuật viên đạt được những kết quả rất tốt với tỷ lệ thành công đến trên 90% nhưng các bác sỹ vẫn mong muốn có được tỷ lệ thành công cao hơn nữa. Trong quá trình phẫu thuật thay khớp gối, có 2 việc quan trọng và đóng vai trò quyết định đối với thành công của phẫu thuật là: sự thực hiện các lát cắt xương chính xác và cân bằng phần mềm. Trong đó, sự chính xác của các lát cắt xương có thể nâng cao hơn nữa nhờ tính toán của máy tính và sự hỗ trợ của robot để tiến hành cắt tự động. Trước phẫu thuật, các thông số giải phẫu của khớp bệnh nhân được thu nhận từ phim chụp cắt lớp vi tính, nạp vào máy tính và tính toán để đưa ra các thông số phẫu thuật cho robot. Với việc hỗ trợ của robot, quá trình cắt xương được thực hiện tự động hoàn toàn nên khả năng chính xác của lát cắt rất cao với sai số dưới 1o và không quá 2mm. Nhờ đó, việc phục hồi chính xác các yếu tố cơ học: trục, góc xoay, … được phục hồi gần như hoàn hảo.
Vai trò của con người
Như vậy, sự hỗ trợ của robot đã giúp cho sự chính xác của phẫu thuật tăng lên rất nhiều và có vẻ như việc thực hiện phẫu thuật rất dễ dàng, vậy thì vai trò của con người còn quan trọng không? hay chỉ cần phẫu thuật viên trình độ cơ bản với sự hỗ trợ của robot cũng có thể thực hiện được phẫu thuật?. Không phải vậy bạn ạ.
Như đã nói ở trên, có 2 việc quan trọng trong kỹ thuật phẫu thuật thay khớp gối là cắt xương và cân bằng phần mềm. Nếu máy móc có thể thực hiện cắt xương chính xác hơn con người thì việc cân bằng phần mềm gần như máy móc không thể thực hiện được (tính đến hiện tại). Việc cân bằng phần mềm đòi hỏi phẫu thuật viên không chỉ có kinh nghiệm mà phải có kiến thức toàn diện về giải phẫu, chức năng, động học của khớp gối mới thực hiện tốt được.
Hơn nữa, việc thực hiện cắt xương chỉ chính xác nếu các thông số nhập vào cho máy tính chính xác. Những thông số này do chính phẫu thuật viên đo đạc, tính toán trên phim và nhập vào máy, trong trường hợp, việc tính toán và nhập thông số có sai lệch, có thể dẫn đến sự sai lệch rất lớn trong phẫu thuật. Lúc này, việc sửa chữa, điều chỉnh lại hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm của phẫu thuật viên. Một phẫu thuật viên ít kinh nghiệm, có thể sẽ bỏ sót hoặc không nhận ra sai lệch này nếu nhỏ dẫn đến kết quả sau phẫu thuật không thực sự tốt nhất có thể.
Vậy thì, máy móc không thể thay thế hoàn toàn con người được, nó chỉ giúp con người thực hiện một cách chính xác các thao tác cần thiết mà thôi và làm cho quá trình phẫu thuật đơn giản hơn, giải phóng con người khỏi những thao tác cơ bản và lặp đi lặp lại, để tăng hiệu suất và hiệu quả công việc. Vẫn cần phải có những phẫu thuật viên được đào tạo bài bản, có đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm để không chỉ thực hiện tốt phẫu thuật, vận hành điều khiển robot và trong một số trường hợp còn “sửa sai” cho robot nữa.
TS Trần Trung Dũng